Cùng với phiên họp định kỳ hằng tháng mở vài năm nay, tỉnh Quảng
Nam vừa khởi động chương trình “Cà phê doanh nhân” và tương tác trực
tuyến để đa dạng hình thức trao đổi với doanh nghiệp…
Ông Lê Trí Thanh (thứ ba từ trái sang) nghe các đại diện doanh nghiệp phản ánh trong chương trình “Cà phê doanh nhân” đầu tiên - Ảnh: C.T.V |
Chương trình “Cà phê doanh nhân” tại Quảng Nam vừa chọn không gian ấm cúng tại khách sạn Lê Dung (TP.Tam Kỳ) để làm cuộc trao đổi giữa lãnh đạo UBND tỉnh với 10 doanh nghiệp (DN), có đại diện của Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN tỉnh, Hiệp hội DN Quảng Nam, các sở: Công thương, KH-ĐT, Xây dựng…
Việc lựa chọn nhóm DN thuộc lĩnh vực dệt may, da giày để “uống cà phê” đầu tiên cũng có lý do riêng, bởi đây là một trong những nhóm chịu tác động nhiều nhất khi VN gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nhóm cũng chịu tác động tương tự - DN ngành chăn nuôi - sẽ được UBND tỉnh gặp gỡ trong lần kế tiếp. “Địa điểm để cà phê với nhóm DN chăn nuôi sẽ linh hoạt, tại Thăng Bình hoặc Quế Sơn, chọn nơi nào có đông DN trên lĩnh vực này để đưa chương trình đến đó”, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, người chủ trì chương trình “Cà phê doanh nhân” nói.
“Cà phê nhưng phải ghi nhận nghiêm túc”
|
|
Việc tiếp DN định kỳ hằng tháng được tổ chức định kỳ vào ngày 5 hằng tháng (trường hợp trùng ngày nghỉ cuối tuần thì sẽ linh hoạt dời lại) và đều đăng tải công khai trên trang web của Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN tỉnh và trên các phương tiện truyền thông tại Quảng Nam.
Tuy nhiên, với chương trình “Cà phê doanh nhân” vừa khởi động hôm 17.3, về hình thức lẫn nội dung có sự khác biệt. Cuộc gặp gỡ tại quán cà phê là dịp để đại diện chính quyền địa phương lắng nghe các DN ở một nhóm ngành cụ thể nào đó phản ánh khó khăn, vướng mắc hay đề xuất giải pháp liên quan.
Những người thực hiện chương trình tin rằng trong một không gian cởi mở, không gò bó, các DN sẽ thoải mái trao đổi, chia sẻ tâm tư nguyện vọng hơn. Chỉ chừng 2 giờ đồng hồ thôi, nhưng những ý kiến xác đáng sẽ được ghi nhận, tổng hợp báo cáo để UBND tỉnh nghiên cứu giải quyết.
Thực ra, “format” của chương trình “Cà phê doanh nhân” đã được thực hiện tại tỉnh Tuyên Quang. Trong quá trình phụ trách mảng đầu tư tại Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh chủ động cho áp dụng ý tưởng này để tối đa các phương pháp tương tác giữa chính quyền với DN.
“Không có kết luận nhưng phải ghi nhận nghiêm túc và giải quyết rốt ráo. Qua lần cà phê đầu tiên, các DN cho hay họ rất phấn khởi. Sắp tới phụ trách mảng cải cách hành chính, tôi sẽ chỉ đạo tương tác nhiều hơn nữa”, ông Thanh tiết lộ.
Trong khi đó, dù Quảng Nam chưa công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của DN trên tất cả các lĩnh vực, nhưng Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN được ủy quyền ghi nhận, tổng hợp những thông tin liên quan để báo cáo lãnh đạo tỉnh xử lý như một “địa chỉ nóng”.
Bình luận (0)