Cà phê: Tại sao có người uống tốt, có người tim đập loạn xạ?

Thiên Lan
Thiên Lan
08/05/2022 00:07 GMT+7

Tại sao có người chỉ uống một chút cà phê đã cảm thấy tim đập nhanh , bồn chồn lo lắng và tỉnh ngủ cả đêm, trong khi người khác thì có uống vào lúc nửa đêm vẫn ngủ say như chết?

Câu trả lời là do độ nhạy cảm với caffein ở mỗi người mỗi khác, theo Đài Truyền hình SBS của Úc.

Có người chỉ uống một chút cà phê đã cảm thấy tim đập nhanh, bồn chồn lo lắng và tỉnh ngủ cả đêm, trong khi người khác thì có uống vào lúc nửa đêm vẫn ngủ say

Shutterstock

Độ nhạy cảm với caffeine là gì?

Độ nhạy cảm với caffein được xác định bởi mức độ hiệu quả của cơ thể trong việc xử lý và chuyển hóa caffein.

Gabrielle Maston, chuyên gia dinh dưỡng, phát ngôn viên của Hiệp hội Chuyên gia dinh dưỡng Úc, giải thích là do gien di truyền dẫn đến phản ứng khác nhau của từng người đối với caffeine và tác động khác nhau của cà phê đối với cơ thể.

Chuyên gia Maston nói: “Độ nhạy cảm với caffein ở mỗi người mỗi khác. Vì vậy, không phải ai cũng có thể uống được lượng cà phê như nhau và có tác động như nhau”.

Nghiên cứu: Uống tối đa 3 tách cà phê mỗi ngày giúp sống lâu

Do gien di truyền khác nhau

Theo phân tích gien của GenePlanet, Trung tâm hàng đầu châu Âu về chăm sóc sức khỏe dựa trên xét nghiệm gien, khoảng 95% caffein được chuyển hóa trong gan thông qua một loại enzym có tên là CYP1A2 - được điều chỉnh bởi gien CYP1A2.

Mức độ nhạy cảm đối với caffein ở mỗi người là khác nhau. Vì vậy, không phải ai cũng có thể tiêu thụ một lượng cà phê như nhau và chịu tác động như nhau.

Do đó, sự khác biệt trong ADN của mỗi người sẽ tạo ra sự khác biệt về tốc độ chuyển hóa caffein. Người có nhiều hơn một biến thể C trong gien sẽ nhạy cảm hơn với cà phê và sẽ bị tác động mạnh hơn.

Trong khi đó, người có 2 bản sao của một gien có trong biến thể A sẽ dễ dung nạp hơn với caffein.

Nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Harvard Chan (Mỹ) cũng chỉ ra rằng sự khác biệt về gien dẫn đến sự khác nhau trong cách xử lý, trao đổi chất và gây nghiện cà phê ở từng người.

Nghiên cứu được công bố vào năm 2014 đã xem xét khoảng 100.000 người và tìm thấy 6 biến thể gien quy định sự khác nhau trong thói quen uống cà phê và tác động của cà phê đến sức khỏe của từng người, theo SBS.

Mỗi người nên biết độ nhạy cảm với caffein của mình để không gặp phải các tác dụng phụ như khó chịu, căng thẳng, lo lắng, khó ngủ và tiêu chảy

Shutterstock

Do các thụ thể trong não khác nhau

Chuyên gia Maston cho biết thêm rằng độ nhạy của caffein cũng được điều chỉnh bởi các thụ thể trong não. Caffein đi qua hàng rào máu não và ảnh hưởng đến các thụ thể adenosine trong não.

Những người thiếu thụ thể adenosine có thể không bị mất ngủ do caffein như những người khác, vì các thụ thể này kém phản ứng hơn và các phân tử caffein không thể liên kết với các thụ thể.

Đó là lý do tại sao có những người vừa hớp một ngụm cà phê đã lo lắng hoặc run rẩy trong khi những người khác uống 6 - 7 cữ vẫn không sao, chuyên gia Maston nói thêm, theo SBS.

Người nhạy cảm với caffein có nên lo lắng?

Chuyên gia Maston nhấn mạnh rằng độ nhạy cảm với caffein không phải là bệnh. Không có vấn đề gì khi một người nhạy cảm với caffein trong khi người khác thì không - chỉ là người có thể uống được nhiều, người uống được ít mà thôi.

Tuy nhiên, mỗi người nên biết độ nhạy cảm với caffein của mình để không gặp phải các tác dụng phụ như khó chịu, căng thẳng, lo lắng, khó ngủ và tiêu chảy, theo SBS.

Vậy nên uống bao nhiêu cà phê?

Mức độ tiêu thụ caffein tối ưu tùy vào mức độ nhạy cảm với caffein của bạn.

Có 3 mức độ nhạy cảm với caffein: quá nhạy cảm, nhạy cảm bình thường và ít nhạy cảm với caffein.

Chuyên gia Maston cho biết đa số mọi người có độ nhạy cảm bình thường. Nên hầu hết mọi người nên uống 300 - 400 miligam caffein mỗi ngày hoặc ít hơn, tương đương với khoảng 3 - 4 tách cà phê hòa tan hoặc 1 - 2 tách cà phê pha phin mỗi ngày.

Thông điệp chính là sử dụng caffein ở mức độ vừa phải. Và nhớ chỉ nên uống cà phê ít đường hoặc tốt nhất là không đường, theo SBS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.