'Cả thế giới nhìn vào Việt Nam là thị trường chè giá rẻ'

05/11/2024 13:02 GMT+7

Việt Nam nằm trong top 5 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới nhưng giá ở mức thấp với 1,7 USD/kg, trong khi giá trung bình thế giới là 2,6 USD/kg. Cả thế giới đang nhìn vào Việt Nam là thị trường chè giá rẻ.

Những thông tin về nghịch lý của ngành chè Việt Nam được chia sẻ tại Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao, do Bộ NN-PTNT, Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 5.11, tại Phú Thọ.

 'Cả thế giới nhìn vào Việt Nam là thị trường chè giá rẻ'- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Cục phó Cục Trồng trọt, cho biết giá chè xuất khẩu của nước ta đang ở mức trung bình thấp so với thế giới

ẢNH: H.P

Xuất khẩu nhiều, giá trị thấp

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết năm 2022, sản lượng chè sản xuất đạt 194.000 tấn. Trong đó, 146.000 tấn được xuất khẩu, thu về 237 triệu USD. Trong khi đó, 48.000 tấn tiêu thụ trong nước, giá trị đạt hơn 7.500 tỉ đồng, tương đương 325 triệu USD. Như vậy, chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với số lượng xuất khẩu nhưng giá trị lại cao hơn.

Cũng theo ông Mạnh, hiện nay, Việt Nam chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chủ yếu là chè đen và chè xanh. Nhưng giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70 - 75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.

 'Cả thế giới nhìn vào Việt Nam là thị trường chè giá rẻ'- Ảnh 2.

Chè bán trong nước hiện nay có giá trị cao hơn so với chè xuất khẩu

ẢNH: H.P

Cụ thể, giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam là 1,7 tỉ USD/kg, trong khi giá trung bình thế giới 2,6 USD/kg, đang ở biên độ thấp so với thế giới.

Để nâng cao giá trị chè xuất khẩu, ông Mạnh cho rằng, một giải pháp thiết yếu là các địa phương đẩy mạnh tổ chức sản xuất chè an toàn và liên kết tiêu thụ, nâng cao năng lực biến.

Ngoài ra, các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại điện tử, ứng dụng các công cụ kinh tế số như ngân hàng xanh, tín dụng xanh, chủ động liên kết vùng sản xuất với hệ thống phân phối và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA để giúp mở rộng thị trường, từ đó nâng cao giá trị ngành chè.

Tranh mua tranh bán, doanh nghiệp tự "dìm" nhau

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, khẳng định giá chè Việt Nam không thấp, bình quân là 4 USD/kg, trong đó có những địa phương như Thái Nguyên có doanh thu hơn 500 triệu USD từ cây chè.

Chè Việt Nam giá rẻ hiện nay chính là chè xuất khẩu. Cả thế giới đang nhìn vào Việt Nam với thị trường chè giá rẻ, đổ xô đến để mua nguyên liệu, tìm kiếm lợi nhuận lớn.

 'Cả thế giới nhìn vào Việt Nam là thị trường chè giá rẻ'- Ảnh 3.

Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Hoàng Vĩnh Long chia sẻ, ngành chè Việt Nam đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới

ẢNH: H.P

"Ngành chè xuất khẩu của Việt Nam đang trong tình trạng dễ mua dễ bán, tranh mua tranh bán nên rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới", ông Long cho rằng.

Phân tích về nguyên nhân khiến giá chè xuất khẩu thấp, theo ông Long, ngành chè Việt Nam có thời kỳ quá dài chưa đổi mới được, nhiều vùng sản xuất chè tập trung nông - công nghiệp bị phá vỡ. Một vùng nguyên liệu nhưng có quá nhiều nhà máy nhỏ, đầu tư công nghệ không cơ bản, chắp vá và chỉ hướng đến để làm chè giá rẻ.

Cũng theo ông Long, chè xuất khẩu giá rẻ do vẫn còn doanh nghiệp tranh mua, tranh bán, tự dìm lẫn nhau. "Có khách nước ngoài đến mua chè xanh của doanh nghiệp A với giá 2,6 USD kg, nhưng khi sang đến doanh nghiệp B sẵn sàng hạ giá xuống 2,59 USD/kg, bán như thế là phá giá, không vì phát triển chung", ông Long dẫn chứng.

Ông Long cho biết, ngành chè đã và đang có thay đổi, ngành càng có nhiều doanh nghiệp chọn đi theo con đường phát triển bền vững, liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu. Hiệp hội Chè Việt Nam vừa qua đã có nghị quyết xây dựng phát triển, bảo vệ vùng nguyên liệu và coi đây là nguồn tài nguyên quý giá, không để lãng phí, thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại vào chuỗi sản xuất, để đưa giá chè bình quân tăng lên.

"Nếu không xây dựng được vùng nguyên liệu chất lượng, không liên kết sản xuất, không chú trọng đầu tư công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu thì chè xuất khẩu không thể có giá bán cao được, không bao giờ thoát ra khỏi bẫy giá rẻ của thế giới", ông Long nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.