Lá cà không mướt lắm, hoa cũng nhàn nhạt thôi, nhưng trái rất xinh vì khoác chiếc áo nõn nà. Loại cà thon dài trái thì tím ngắt, tím đến độ... cực tím; trái thì xanh phơn phớt như chưa muốn xanh; còn loại cà tròn thì to hơn trứng ngỗng, trắng tinh như trang giấy học trò. Mẹ nói lá và hoa nhường phần đẹp cho trái, còn trái thì ngon hết mình cho mấy đứa bây.
Lại nhớ một kỷ niệm vui về chị Hai. Nguyên cà tím còn có tên là “cà dái dê” nhưng chị chưa bao giờ dùng tên này. Chị nói trái cà xinh xắn, gọi tên vậy “tội” nó. Mình níu áo chị hỏi sao mà tội? Chị đỏ mặt nói ngốc ơi, tên đó... mất lịch sự chớ sao. Mình chưa chịu, hỏi sao mà mất lịch sự? Chị hét lên: “Má ơi, thằng cu nó hỏi bậy bạ nè”.
Cà tím khi vào tay những đầu bếp chuyên nghiệp sẽ thành những món “mỹ miều” và sang hẳn lên như cà tím nhân tôm, nhồi thịt, hấp tỏi, chiên giòn... Chúng được trang trí điệu đà, đặt trang trọng trên những chiếc bàn trải khăn trắng muốt. Nhưng đó là chuyện của mấy ông bạn thành đạt thường lui tới nhà hàng. Mình thì chẳng hề mơ màng đến cà tím nhân tôm.
Món cà tím nướng mẹ thường cho cả nhà ăn thì không thể nào quên. Lạ! Cà tím chưa qua lửa thì không mùi vị gì. Nhưng khi đặt lên bếp than hồng chỉ một lát thôi là hương dậy khắp nhà. Khi vỏ nứt nẻ, ngả sang màu xám đen là cà đã chín. Nhẹ nhàng bóc vỏ, xẻ trái cà theo chiều dọc thành từng miếng nhỏ. Cà nướng chấm mắm ớt tỏi, và cơm nóng nghe mằn mặn, ngòn ngọt, thơm quá là thơm.
Ngày đông tháng giá, mẹ lại làm cho nồi cơm mau vơi bằng món cà sống ăn với mắm ruốc. Nếu dùng chữ “dân dã” cho món cà nướng thì món này “dân dã” gấp đôi. Cà chỉ cần xắt lát mỏng, ngâm với nước muối loãng khoảng 10 phút cho “lành” là có thể vớt lên đĩa được rồi. Lát cà trắng tươi, mềm mại ưa... sa đà vào chén mắm ruốc khiến miếng cơm nào cũng mặn mòi, thấm thía. Tuồng như hương đất trong miếng cà sống chỉ chịu chín ngọt khi gặp chút biển đậm đà từ chén mắm ruốc mà thôi.
Trần Cao Duyên
>> Lợi ích của cà tím
>> Công dụng của cà tím
Bình luận (0)