Hôm nay (11.9), bác sĩ Võ Hồng Khanh, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, cho biết: Theo bệnh sử của bệnh nhân T., ngày 23.8.2018, bệnh nhân sốt, ho tự mua thuốc uống rồi điều trị ở phòng khám tư với tình trạng sốt, ho kèm theo khó thở, ăn uống kém.
Sau 2 ngày bệnh trở nặng, T. được người nhà đưa đi nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm. Cùng ngày, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện (BV) Nguyễn Đình Chiểu (BV tuyến tỉnh) trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, ngưng tim 2 lần.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán là viêm phế quản cấp; bệnh nhân được điều trị ở Khoa Nội và Hồi sức tích cực nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.
Khuya 26.8, bệnh nhân được chuyển lên BV Bệnh Nhiệt Đới (TP.HCM) với chẩn đoán suy hô hấp, theo dõi cúm, sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng, rối loạn điện giải, trào ngược dạ dày thực quản.
Kết quả chụp X-quang tại BV Bệnh Nhiệt đới cho thấy phổi trái và đáy phổi của bệnh nhân mờ toàn bộ, dương tính với cúm A/H3.
Bệnh nhân được điều trị thở máy, lọc máu, vận mạch, kháng sinh,…
tin liên quan
Bệnh nhân ung thư đi 250 km chỉ để bổ sung hai chữ 'hồ sơ': BHXH sẽ xin lỗi người bệnhTuy nhiên, sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân mê sâu, không đáp ứng các điều trị. Vì vậy, gia đình xin về và T. tử vong tại nhà sau đó.
Theo người nhà, bệnh nhân T. không có tiền sử bị bệnh tim mạch, đái tháo đường. Cách đây 3 năm có mổ bướu giáp. Bệnh nhân có chuyên chở, tiếp xúc với gà do xung quanh nhà có nuôi gà và chuyên chở gà.
Trong gia đình của bệnh nhân và khu vực xung quanh nhà bệnh nhân chưa ghi nhận ca bệnh cúm. Tại huyện Giồng Trôm cũng chưa ghi nhận có hiện tượng gia cầm chết, không ghi nhận hiện tượng tăng bất thường số ca bệnh cúm đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện.
Vẫn theo bác sĩ Khanh, cúm A/H3 là chủng vi rút cúm thông thường. Bệnh thường khỏi sau 3-4 ngày nhưng nếu không được phát hiện sớm, để bệnh diễn tiến nặng thì nguy cơ tử vong vẫn xảy ra. Biến chứng thường rơi vào những bệnh nhân là trẻ em, người già hoặc những người có bệnh mạn tính và vi rút này khiến cho nền bệnh nghiêm trọng hơn trong thời gian ngắn. Hiện nay, cúm A/H3 đã có vắc xin phòng ngừa.
Bình luận (0)