Bác sĩ 2 bệnh viện phối hợp 'mổ bắt con' cho sản phụ bị cúm A/H1N1

Duy Tính
Duy Tính
18/07/2018 16:46 GMT+7

Trước khi khởi phát bệnh một ngày, gia đình bệnh nhân (7 người) cùng ăn thịt gà nhà nuôi (gà chết), tất cả sau đó đều có triệu chứng ho, sốt.

Ngày 18.7, nguồn tin từ Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết sản phụ N.T.V (35 tuổi, ngụ Đồng Tháp) đã được gia đình xin về nhà do tình trạng nặng sau khi điều trị cúm A/H1N1 một tháng tại đây.
Khoảng giữa tháng 6.2018, bệnh nhân đã sốt cao, ớn lạnh, ho khan nhiều và đi khám tại cơ sở y tế địa phương, uống thuốc không rõ loại. Bệnh nhân có giảm sốt nhưng còn ho khàn nhiều, tức ngực, khó thở tăng. Bệnh nhân đi khám tại bác sĩ tư, được tiêm thuốc không rõ loại.
Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh vẫn không giảm nên bệnh nhân đến BV địa phương. Bác sĩ nghi ngở bệnh nhân mắc cúm nên ngày 17.6 chuyển BV Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng sốt, ho, khó thở, suy hô hấp, đặt nội khí quản
Bên cạnh đó, qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết trước khi khởi phát bệnh một ngày, gia đình bệnh nhân (7 người) cùng ăn thịt gà nhà nuôi (gà chết), tất cả sau đó đều có triệu chứng ho, sốt.
Tại BV Bệnh Nhiệt đới, kết quả chụp X-quang phổi cho thấy phổi bệnh nhân bị tổn thương thâm nhiễm toàn bộ 2 bên. Kết quả xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) xác định bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, đồng thời mang thai tuần thứ 32.
Hai ngày sau, các bác sĩ BV Từ Dũ đã đưa dụng cụ, trang thiết bị đến BV Bệnh Nhiệt mổ bắt thai nhi khi phổi thai đã trưởng thành, lúc này bệnh nhân đang thở máy. Em bé sau đó được chuyển sang BV Từ Dũ điều trị.
Sản phụ sau mổ lấy thai diễn tiến viêm cơ tim cấp, sốt cao, bạch cầu tăng, phổi tổn thương tăng.
Mặc dù được BV Bệnh Nhiệt đới điều trị, hồi sức tích cực nhưng tổn thương phổi bệnh nhân ngày gia tăng, tim rời rạc, mạch huyết áp không đo được, nhiễm khuẩn huyết.
Đến 8 giờ 30 ngày 16.7, bệnh nhân mê, đồng tử giảm 4 mm, mất phản xạ ánh sáng, tím tái toàn thân… BV đã giải thích tình trạng nặng của bệnh nhân và người nhà xin về.
Kết quả chẩn đoán sau cùng: Bệnh nhân viêm phổi do cúm A/H1N1 bội nhiễm, xuất huyết phổi, nhiễm khuẩn huyết sau khi mổ lấy thai 29 ngày.
BV Bệnh Nhiệt đới đã báo cáo cho Viện Pasteur, Sở Y tế và Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A (H1N1) gây nên.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng. Vi rút cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Loại vi rút này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là: nhân viên y tế, trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; phụ nữ mang thai; người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); người trên 65 tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.