Ngày này 27 năm trước, 14.3.1988, 64 chiến sĩ của QĐND VN đã ngã xuống để bảo vệ đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của VN. Từ bấy đến nay, xương máu các anh đã tan vào biển thẳm.
>> Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền - Kỳ 6: Từ thảm sát Gạc Ma đến mộng bá chủ biển Đông
Mẹ Nguyễn Thị Hằng không cầm được nước mắt khi đứng bên viên đá đầu tiên khu tưởng niệm
- Ảnh: Nguyễn Chung |
Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa
Tháng 3.2014, tại Đà Nẵng, Tổng LĐLĐ VN đã tổ chức cuộc gặp gỡ, giao lưu với những quân nhân và thân nhân các chiến sĩ đã chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988. Cuộc gặp gỡ ấy đã góp phần khép lại những khoảng cách giữa người Việt với nhau do cuộc chiến tranh khốc liệt mấy mươi năm trước đó gây nên. Tất cả mọi người đều cùng hướng về một phía - phía của yêu thương, đoàn tụ, phía của sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng đất nước phồn vinh và bảo vệ đến cùng từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc. Sau buổi giao lưu thân thiện, chân tình và nồng ấm ấy, Tổng LĐLĐ đã phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” nhằm kêu gọi cán bộ công nhân viên chức và đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài cùng những tấm lòng hảo tâm ở mọi nơi trên đất nước cùng chung tay góp sức để làm một việc gì đó thật sự có ý nghĩa nhằm giúp đỡ những gia đình các liệt sĩ, tử sĩ trong các trận hải chiến ấy còn đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
Sau một năm phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa”, số tiền do toàn dân đóng góp đã lên tới 104,23 tỉ đồng. Tấm lòng tình nghĩa ấy của đồng bào cả nước và các nhà hảo tâm đã được san sẻ cho nhiều hoàn cảnh, đối tượng mà “tôn chỉ” của chương trình hướng đến. Không chỉ là các thân nhân của liệt sĩ Gạc Ma được trao sổ tiết kiệm hoặc xây nhà tình nghĩa mà ngay cả thân nhân các tử sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa cũng được quỹ của chương trình giúp đỡ một phần. Số tiền tình nghĩa ấy cũng đã hỗ trợ cho nhiều ngư dân gặp khó khăn trong cuộc sống hoặc gặp nạn trong quá trình hành nghề, có điều kiện để tiếp tục ra khơi. Các chiến sĩ hải quân và lực lượng kiểm ngư cũng được chương trình “tiếp sức” trong những ngày làm nhiệm vụ bảo vệ vùng lãnh hải vào tháng 5.2014 tại vùng biển Hoàng Sa... Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” không dừng lại ở đó. Một khu tưởng niệm những anh linh của các liệt sĩ hy sinh trên biển Đông luôn thôi thúc những nhà quản lý.
Sưởi ấm những tấm lòng
Xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã tìm được sự đồng thuận của không chỉ thân nhân các liệt sĩ mà còn của đồng bào cả nước. Nhiều nhà khoa học, các kỹ sư, kiến trúc sư, các họa sĩ đã bỏ nhiều công sức để đóng góp những ý tưởng, phác họa mô hình khu tưởng niệm này mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Chủ tịch Tổng LLĐ VN khẳng định đây là công trình tưởng niệm của toàn dân tộc, vì vậy, sự chung tay của cả nước đã mang một ý nghĩa lớn lao hơn.
Nhìn thấy dòng chữ “Viên đá đầu tiên” trên tấm bia được ban tổ chức đặt nơi làm lễ khởi công, cựu binh từng tham gia trận hải chiến Gạc Ma 27 năm trước, anh Lê Hữu Thảo đến từ Hà Tĩnh, mắt ngân ngấn nước: “Tôi đợi giây phút này đã lâu lắm rồi. Mấy chục năm qua, tôi luôn nghĩ đến những đồng đội tôi đã nằm lại ở Gạc Ma mà không có một nấm mồ nào. Cha mẹ, vợ con các anh, mỗi ngày lễ, ngày giỗ, muốn đến thắp cho chồng, con họ nén nhang cũng không có chỗ. Và bây giờ, khu tưởng niệm này chính là “nghĩa trang liệt sĩ”, là nơi yên nghỉ của các anh. Tôi thấy ấm lòng về điều đó”. Mẹ Nguyễn Thị Hằng, mẹ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông đến từ Quảng Trị nhìn thấy mô hình khu tưởng niệm mà như thể sắp gặp con mình ở một nghĩa trang liệt sĩ nào đó vậy. Mắt bà lúc nào cũng giàn giụa nước.
Còn một năm nữa, khu tưởng niệm mới nên hình nên dáng nhưng những gì mà nó đã và sẽ mang lại thì vô cùng lớn lao. Nó đã sưởi ấm được tấm lòng của những bà mẹ mong con, nó an ủi được những đồng đội có may mắn được trở về lành lặn nhưng luôn cảm thấy như mình có lỗi với người đã ngã xuống, nó đánh thức được tình yêu nước và lòng biết ơn của mỗi người dân Việt, nó đáp ứng được nguyện vọng của toàn dân...
“Giờ này sang năm, khu tưởng niệm sẽ hoàn thành”, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho biết.
Sau khi tổ chức thi tuyển thiết kế công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, ban tổ chức đã chọn tác phẩm Hành trình khát vọng của nhóm tác giả thuộc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) và tượng đài của tác phẩm Những người nằm lại ở phía chân trời của tác giả Lý Thị Liễu (TP.HCM) để phối hợp thành một đồ án tổng thể. Tượng đài được xem là trái tim của khu tưởng niệm, bao gồm hình ảnh mặt trời phía sau lưng những chiến sĩ hải quân, nổi bật là hình ảnh người lính giữ vững ngọn cờ Tổ quốc trên đảo. Quần thể khu vực còn có khu tưởng niệm dành cho du khách, bảo tàng ngầm...
|
Bình luận (0)