Các 'cá mập' làm giá cổ phiếu như thế nào?

Mai Phương
Mai Phương
19/07/2023 11:56 GMT+7

Lập nhiều tài khoản chứng khoán, bán chui cổ phiếu..., các chiêu trò làm giá cổ phiếu của những ông chủ doanh nghiệp - vốn được xem là "cá mập" - diễn ra tinh vi khiến nhiều nhà đầu tư mất tiền.

Lập vài trăm tài khoản để tự mua bán

Mới nhất, trong vụ án thao túng chứng khoán tại 3 công ty "họ" APEC gồm Công ty CP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (mã chứng khoán APS), Công ty CP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (mã chứng khoán API) và Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán IDJ), Công an TP.Hà Nội cho biết trong khoảng 8 tháng, vợ chồng ông Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương - đã lập 40 tài khoản chứng khoán để liên tục mua, bán tạo cung cầu giả, làm giá cổ phiếu.

Các 'cá mập' làm giá cổ phiếu như thế nào? - Ảnh 1.

Lập hàng trăm tài khoản để mua bán liên tục, tạo cung cầu giả mạo là chiêu thức đầu tiên của các cá mập

NGỌC THẮNG

Việc mua bán liên tục nhằm đẩy giá ba cổ phiếu "họ" APEC là API, APS, IDJ tăng bất thường. Cụ thể, từ ngày 4.5.2021 đến 31.12.2021, cổ phiếu API tăng từ 27.300 đồng lên 102.000 đồng (tăng 372%); cổ phiếu APS tăng từ 10.400 đồng lên 59.900 đồng(tăng 581%) và cổ phiếu IDJ tăng từ 14.500 đồng lên 75.000 đồng (tăng 503%).

Sau khi "thổi giá" chứng khoán, các bị can chỉ đạo nhân viên tại công ty chứng khoán thực hiện đặt lệnh mua, bán ba cổ phiếu API, IDJ, APS trên 40 tài khoản khác nhau. Kết quả các bị can đã thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 157 tỉ đồng.

Hay trong vụ án làm giá cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng xác định từ ngày 1.9.2016 đến 10.1.2022, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo nhiều bị can, người có liên quan khác mượn, sử dụng chứng minh nhân dân của 26 người thân mở tổng cộng 450 tài khoản chứng khoán tại 41 công ty chứng khoán. 

Việc nắm giữ trong tay số lượng tài khoản nhiều nhằm để liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán khớp chéo (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu); mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa; đặt lệnh mua hay bán sau đó hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, làm giá đối với 6 mã chứng khoán, gồm FLC của Công ty CP Tập đoàn FLC; ROS của Công ty CP Xây dựng FAROS; ART của Công ty CP Chứng khoán BOS; HAI của Công ty CP Nông dược HAI; AMD của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone và GAB của Công ty CP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC...

"Cá mập" bán chui cổ phiếu

Ngoài việc sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để mua bán, thổi giá cổ phiếu thì các ông chủ doanh nghiệp còn có chiêu trò bán chui cổ phiếu. Theo quy định, những cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp hay người có liên quan khi muốn mua hoặc bán cổ phiếu đều phải công bố trước khi thực hiện. Thế nhưng, rất nhiều trường hợp đã âm thầm giao dịch mà không thông báo trước. 

Các 'cá mập' làm giá cổ phiếu như thế nào? - Ảnh 2.

Các cá mập bán chui cổ phiếu để thu lợi hàng trăm tỉ đồng

NGỌC THẮNG

Trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết của Tập đoàn FLC cũng là điển hình cho việc bán chui cổ phiếu. Theo cơ quan điều tra, từ 1.12.2021 đến 10.1.2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS (Công ty CK BOS) và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức.

Các tài khoản đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, đặt mua chiếm 12% tổng khối lượng đặt mua và khớp mua 2,84% tổng khối lượng khớp mua toàn thị trường; đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng đặt bán và khớp bán chiếm 12% tổng khối lượng khớp bán toàn thị trường.

Tại các phiên tăng giá, nhóm 21 tài khoản chứng khoán đặt mua với tổng khối lượng 77% tổng khối lượng đặt mua của nhóm. Tại các phiên giảm giá, nhóm đặt bán với tổng khối lượng 94% tổng khối lượng đặt bán của nhóm. Mục đích đẩy giá cổ phiếu FLC từ 14.650 đồng ngày 1.12.2021 lên giá cao nhất 24.050 đồng (trung bình 22.586 đồng/cổ phiếu, tăng 64%).

Sau đó, ông Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586 đồng nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch với số tiền 1.689 tỉ đồng, thu lợi bất chính khoảng 530 tỉ đồng. Sau hành động này, sàn HOSE phát hiện đã báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. 

Ngày 18.1.2021, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt nguyên Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng và đình chỉ hoạt động chứng khoán 5 tháng về hành vi trên. Đáng chú ý, sau khi bị xử phạt, cơ quan chức năng vẫn phát hiện nhiều cá nhân liên quan đến tỉ phú Trịnh Văn Quyết sử dụng các tài khoản chứng khoán mở tại Công ty Chứng khoán BOS liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu FLC với số lượng lớn.

Trước đó, vào tháng 11.2017, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cũng đã bán chui 57 triệu cổ phiếu FLC...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.