GS Chung Hoàng Chương cho biết trong những du học sinh Việt theo học lớp của ông, có nhiều bạn mặc dù sự chuẩn bị còn hạn chế, như việc khi rời VN chưa có đủ khả năng, nhưng nhờ tinh thần ham học hỏi, các bạn đã hội nhập và học rất giỏi.
"Có những em rất hay, có các sáng chế ghi dấu ấn và nhiều em thành công trong những lĩnh vực nghiên cứu, hay trong ngành khoa học. Nhìn chung khi du học sinh Việt có định hướng đúng đắn, biết tận dụng những điều kiện học tập ở môi trường nước ngoài thì các em rất thành công", GS Chương nhìn nhận.
Là một GS người Việt, ông Chương rất tự hào với nhiều du học sinh của đất nước mình. Không những vậy, GS Chương còn tự hào kể rằng các GS, chuyên gia trên thế giới đánh giá rất cao du học sinh Việt. "Họ nhìn nhận sinh viên VN mình rất chịu học. So với sinh viên của các quốc gia phát triển khác thì mình cũng ngang ngửa, không hề thua kém. Mặc dù điều kiện của những quốc gia như Singapore rất đầy đủ, hay sinh viên Nhật Bản qua bên Mỹ du học thì cũng có sự chuẩn bị rất tốt…, nhưng du học sinh VN không thua kém gì, chỉ cần có được người cố vấn đầy đủ thì các bạn sẽ tiến bộ rất nhanh", GS Chương chia sẻ.
Nói về khả năng hội nhập của du học sinh Việt, GS Chương đánh giá rất cao. Vị GS này cho rằng du học sinh Việt có một năng lượng rất lớn; bên cạnh đó, tiềm năng để tìm tòi, tiếp nhận những cái mới của người trẻ VN rất cao.
Tuy nhiên, để việc hội nhập không bị cuốn theo những điều tiêu cực, GS Chương cho rằng mỗi sinh viên VN cần có căn bản vững, nhà trường cũng phải trang bị thêm cho các em những kỹ năng mới. Chẳng hạn như kỹ năng đánh giá, tổng hợp, phân tích và tiếp nhận thông tin. Khi có những kỹ năng này cộng lại thì các em sẽ lọc được cái phù hợp và gạt bỏ được những điều không tốt cho mình, từ đó đủ tự tin để tiếp nhận các xu hướng, thông tin mới và vững vàng hội nhập.
GS Chương cũng cho biết hiện nay nhiều gia đình có điều kiện nên khi con mới học THCS đã cho đi du học. "Họ nghĩ rằng như vậy sẽ tốt cho con, nhưng không phải. Vì lúc này con chưa đủ khả năng để đương đầu với những tình huống mới, không có cha mẹ bên cạnh hướng dẫn, nên tôi thấy rất nhiều trường hợp đã thất bại. Theo tôi, ít nhất các em nên học hết lớp 12, hoặc học đến năm 2 ĐH theo những chương trình có sự hỗ trợ về ngôn ngữ… rồi hãy cho đi du học. Có như vậy khi qua nước ngoài các em mới hội nhập nhanh hơn", GS Chương nêu quan điểm.
Đồng thời, GS Chương cũng cho rằng một trong những rào cản của sinh viên VN là đến từ giáo dục của gia đình. Phụ huynh thường cưng chiều, sợ hoặc không cho con tiếp xúc nhiều. Ở nước ngoài khi khách đến nhà thì sẽ gọi con cái ra chào, có sự trao đổi giữa con với khách, nhưng người Việt mình lại bảo con đi vào trong vì cho rằng nhỏ thì biết gì, sự chia cắt này sẽ khiến đứa trẻ rụt rè hơn. Từ đó cũng dẫn đến thực tế là sinh viên ở các nước khác khi thấy một vấn đề gì đó thường ồ lên "ôi hay quá", còn một bộ phận bạn trẻ Việt thì lại e dè.
Bình luận (0)