Vợ chồng tôi có hai đứa con trai, chúng đều ở tuổi mới lớn nên làm cái gì cũng cẩu thả, bừa bộn, dặn trước quên sau, phải uốn nắn, nhắc nhở rất nhiều, nhất là trong việc tiết kiệm điện.
Tôi luôn dặn các con, khi ra khỏi phòng phải tắt hết các thiết bị điện không sử dụng. Đối với điều hòa, bình nóng lạnh hay quạt điện thì chúng còn nhớ, nhưng tắt đèn thì rất hay quên. Đã nhiều lần bị tôi bắt quả tang quên không tắt đèn, hai đứa con của tôi thanh minh: "Con chỉ ra ngoài một chút rồi vào ngay, cứ tắt bật như thế có tiết kiệm được bao nhiêu điện đâu, có khi còn dễ hỏng bóng đèn...".
Ấy là chúng "vụng chèo khéo chống" mà nói vậy, bởi nếu không hình thành thói quen tắt đèn, thì rất dễ quên. Nhiều lần chúng dự định ra khỏi phòng một tý rồi quay lại, nhưng có việc gì đó hoặc mải suy nghĩ, làm một công việc khác là quên. Có hôm vội đi học, chúng để đèn sáng cả ngày không tắt trong khi cả gia đình đều đi vắng, vừa lãng phí, vừa gây nguy cơ mất an toàn trong sử dụng điện.
Trước thực trạng đó, tôi quyết định cần phải quyết liệt hơn với hai con, để chúng hình thành ý thức tiết kiệm. Tôi viết một văn bản, bảo hai con ký cam kết để thực hiện. Theo đó, các con phải tự nhắc nhở bảo ban nhau tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, nếu tiền điện của gia đình vượt quá một triệu rưỡi đồng một tháng (vào mùa hè) hoặc vượt quá một triệu đồng một tháng (vào mùa đông) thì hai con sẽ bị trừ tiền ăn sáng để bù đắp.
Từ khi đưa ra qui định đó, tình hình đã được cải thiện rõ rệt, các con có ý thức hơn trong việc tiết kiệm điện. Đứa nọ thấy đứa kia chưa tắt thì nhắc nhau, hoặc tắt các thiết bị điện giúp nhau.
Thấy mấy tháng liền mà chưa bị tôi phạt tiền lần nào, chúng tò mò hỏi tôi, việc thường xuyên tắt đèn như vậy, bố mẹ tiết kiệm được bao nhiêu tiền so với trước kia? Tôi bí mật không trả lời câu hỏi này, chỉ nói chung chung rằng, do các con chịu khó tắt các thiết bị điện nên số tiền không bị vượt so với qui định, và không bị trừ tiền.
Thực ra, với sức tiêu thụ điện trong một gia đình nhỏ như gia đình tôi, việc thường xuyên tắt đèn khi không sử dụng, trong một quãng thời gian ngắn không tiết kiệm được nhiều tiền điện. Tuy nhiên, về tổng thể toàn xã hội, mỗi cá nhân đều có ý thức thì sẽ tiết kiệm được nhiều điện năng hơn. Việc tắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà sẽ đảm bảo an toàn, ngăn ngừa nguy cơ cháy chập có thể xảy ra cho gia đình mình.
Song cái được lớn nhất, tôi muốn hình thành ý thức tiết kiệm điện cho các con. Từ đó, tạo cho các con ý thức tiết kiệm chung trong suy nghĩ và hành động của chúng. Tôi muốn các con tôi sống giản tiện, biết chi tiêu hợp lý, biết giá trị của từng đồng bạc được làm từ mồ hôi, công sức lao động của bố mẹ, nhất là khi chúng đang ở tuổi ăn tuổi lớn chưa biết làm ra tiền.
Bình luận (0)