Tiết kiệm điện mà còn tránh lãng phí tài nguyên thiên nhiên vốn hữu hạn. Tôi may mắn có chồng là dân kỹ thuật. Những vấn đề về điện nước trong nhà luôn được anh chăm chút và xử lý chu đáo.
Chúng tôi cố gắng tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, mở cửa để gió len lỏi, thông thoáng và căn nhà sẽ tràn đầy khí trời. Bóng đèn dây tóc được thay thế toàn bộ bằng bóng đèn led có độ bền cao và tiết kiệm điện hiệu quả. Đặc biệt ở các phòng hay hành lang chồng tôi lắp đặt bóng đèn wifi thông minh đa sắc, điều chỉnh được thời gian và mức độ chiếu sáng đến tối thiểu 1%. Những loại đèn này rất tiện lợi và tối ưu điện năng sử dụng.
Cha mẹ làm gương cho các con
Cuối tháng 4, TP.HCM đang bước vào những ngày nắng nóng rát da rát thịt. Nhiều khu vực nắng nóng như chảo lửa gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sức khỏe của mọi người. Hóa đơn tiền điện tăng cao cũng trở thành nỗi bất lực của bao nhà. Chị hàng xóm than thở tháng rồi chị đóng tiền điện gần hai triệu. Chị bất ngờ khi tiền điện nhà tôi chỉ bằng một phần tư nhà chị, trong khi số lượng thành viên hai gia đình là như nhau.
Ngoài đèn điện, nhà tôi sử dụng máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh và nồi cơm điện là nhiều nhất. Vì thế chúng tôi hạn chế sử dụng các thiết bị điện này vào giờ cao điểm để tiết kiệm chi phí sử dụng điện và đảm bảo an toàn, tăng tuổi thọ cho chúng.
Quần áo của trẻ em sẽ được giặt tay, quần áo của người lớn thì sử dụng chế độ giặt nhanh và phơi khô ngoài nắng. Nồi cơm điện được canh bật nấu sao cho chín trước khi ăn tầm 15 - 30 phút. Tôi đang dùng một chiếc tủ lạnh công nghệ inverter có dán nhãn năng lượng. Tủ lạnh được đặt ở nơi thoáng gió, tránh các vật phát nhiệt.
Đồ ăn bên trong tủ được sắp xếp ngăn nắp, vừa đủ, không quá trống cũng không quá đầy. Chúng tôi cũng hạn chế việc mở tủ lạnh nhiều lần. Dù trời nóng, gia đình tôi vẫn giữ thói quen uống nước lọc đun sôi để nguội nên tủ lạnh chỉ để một khay đá viên và hai lon đá phòng khi có khách đến chơi.
Với thời tiết này, máy lạnh là thiết bị tốn điện nhiều nhất. Tôi có ghi chú về thời gian định kỳ vệ sinh máy lạnh để đảm bảo máy lạnh làm mát nhanh và hoạt động tốt hơn. Thông thường cả nhà tôi sẽ sinh hoạt ở phòng khách chung cho đến 21 giờ rồi về phòng riêng để ngủ. Máy lạnh sẽ được bật khoảng 27 - 28oC và hẹn giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Tôi nghĩ đây cũng là cách sử dụng hợp lý cho thiết bị tốn điện nhất vào khoảng thời gian thấp điểm nhất.
Con trai tôi chỉ mới năm tuổi nhưng cũng đã được ba mẹ hướng dẫn cách tiết kiệm điện. Con được dặn khi sử dụng đèn hay quạt xong thì tắt để tránh lãng phí. Chúng tôi chia sẻ với con về giá điện, cho con thấy thực hành tiết kiệm điện còn có thể bảo vệ môi trường, có được khoản tiền bỏ ống heo hoặc đóng góp cho cộng đồng.
Bây giờ con luôn là người quan sát và nhắc nhở cho vợ chồng tôi tắt các thiết bị điện khi không sử dụng hoặc trước khi ra khỏi nhà. Chúng tôi làm gương cho con và ngược lại cũng được học hỏi từ con - dũng sĩ tiết kiệm điện tí hon.
Sau khi nghe tôi chia sẻ việc sử dụng điện tiết kiệm, chị hàng xóm ngạc nhiên và thích thú, chị bảo sẽ về nói cả nhà cùng thực hiện theo để hóa đơn tiền điện không còn cao như tháng trước. Hy vọng những hành động nhỏ bé này của mỗi gia đình có thể lan tỏa cho nhiều người xung quanh cùng nhau sử dụng điện hiệu quả, để chung tay bảo vệ môi trường xanh, bền vững cho tương lai.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)