'Tắt các thiết bị khi không sử dụng' để làm sao vừa tiết kiệm điện, vừa an toàn là câu hỏi luôn đặt ra hiện nay.
Nguy cơ thiệt hại về tài sản và về người là rất lớn nếu có xảy ra cháy nổ, vì chúng tôi ở trong khu tập thể, cửa vào và ra chỉ có một lối duy nhất. Do vậy ba tôi luôn tìm cách để đảm bảo các thiết bị điện vận hành một cách an toàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Mẹ tôi thì hưu trí với đồng lương ít ỏi, nên bà tìm mọi cách để tiết kiệm điện nhằm giảm hóa đơn tiền điện, để dành tiền tiết kiệm đó mua thêm mớ rau, tôm cá phục vụ bữa ăn cho gia đình. Hai cái nhu cầu đó phối hợp lại với nhau, làm nên một thói quen tiết kiệm điện triệt để trong gia đình chúng tôi.
Chúng tôi đã tắt các thiết bị điện khi không sử dụng như tivi, đầu thu cáp, hệ thống loa, máy giặt, bếp từ, nồi chiên không dầu,… là các thiết bị điện thường có trong mỗi gia đình hiện đại. Nhưng điều đó không có nghĩa là các thiết bị này không tiếp tục tiêu thụ điện.
Các thiết bị điện vẫn tiêu thụ một lượng nhỏ điện năng khi không sử dụng, được gọi là "sự tiêu thụ điện ẩn" (standby power consumption) hoặc "sự tiêu thụ điện chế độ chờ" (vampire power).
Bố tôi khẳng định rằng tắt thiết bị điện ở chế độ chờ vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn về điện. Lỡ như thiết bị điện đó bị hỏng, bị rò điện, bị chạm thì nguy cơ hỏa hoạn vẫn xảy ra. Mẹ tôi nhất trí, thay vì tắt ở chế độ chờ thì chúng ta hãy tắt chúng hoàn toàn khi không sử dụng. Điều này có thể được thực hiện bằng cách rút phích cắm khỏi ổ cắm. Vậy là vừa an toàn, vừa tiết kiệm điện hoàn toàn.
Tuy nhiên, việc tháo phích cắm ra, rồi lắp phích cắm vào ổ điện âm tường cũng có sự bất tiện. Với các thiết bị điện như máy giặt, bếp từ, nồi chiên không dầu thì các phích cắm thường được nhà sản xuất chế tạo kiểu to, phải dùng lực thật mạnh mỗi khi cắm vào và nhổ ra để đảm bảo độ tiếp xúc điện đủ tốt.
Việc rút ra cắm vào phích điện nhiều lần, cũng làm ổ cắm điện âm tường bị lỏng, tiếp xúc không tốt (hiện tượng move/mu-ve) khả bị chập điện có thể xảy ra.
Tôi nghĩ chắc trên thị trường thế nào cũng có bán ổ cắm điện có sẵn công tắc, loại bắt trước mỗi thiết bị điện. Vì có nhu cầu người mua tất nhiên có nhà sản xuất để bán. Dạo qua các trang bán hàng điện tử thì quả nhiên là rất nhiều ổ cắm có lắp sẵn công tắc với giá cả rất bình dân vài chục ngàn mỗi cái. Tôi mạnh dạn đặt hàng về sử dụng.
Ngày mua ổ cắm về sử dụng, bố tôi còn cẩn thận dùng bút thử điện, cắm vào lỗ điện ổ cắm xem thử có dòng điện nhỏ chạy qua không. Kết quả là đèn bút thử điện không sáng, ổ cắm hoạt động tốt. Mẹ tôi mừng rỡ, vậy là từ nay thay vì rút phích cắm, thì cả nhà có thói quen tắt công tắt điện sau khi sử dụng các thiết bị, vừa an toàn vừa tiết kiệm điện. Đó cũng là thói quen tiết kiệm điện của cả gia đình tôi, hôm nay xin mang ra khoe với cả nhà.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)