Các 'đại gia' công nghệ trong thách thức mới ở ASEAN

Khánh An
Khánh An
02/12/2020 06:00 GMT+7

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang tìm hướng giải quyết ở cấp độ đa phương cho vấn đề thu thuế các “đại gia” công nghệ toàn cầu.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang tìm hướng giải quyết ở cấp độ đa phương cho vấn đề thu thuế các “đại gia” công nghệ toàn cầu, với nỗ lực đưa ra bộ khung cho quy định về cách trả thuế tại các nước mà những công ty đa quốc gia có khách hàng. OECD đang đàm phán với hơn 130 nước. Trong khi đó, nhiều nước Đông Nam Á bắt đầu áp dụng các quy định riêng.
Thái Lan hiện buộc các dịch vụ kỹ thuật số nước ngoài không có chi nhánh tại nước này và có doanh thu hơn 57.000 USD/năm phải trả 7% thuế VAT. Quy định này có thể giúp Thái Lan thu đến 96 triệu USD mỗi năm, theo nghiên cứu của Maybank Kim Eng, bộ phận môi giới và ngân hàng đầu tư của Ngân hàng Malayan Banking (Malaysia). Tại Indonesia, vào tháng 8 năm nay chính phủ nước này áp thuế 10% đối với doanh thu từ sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số của các hãng công nghệ. Malaysia cũng áp thuế các hãng công nghệ nước ngoài, có hiệu lực trong năm nay, với thuế dịch vụ 6% đối với các nhà cung cấp nước ngoài có doanh thu hơn 120.000 USD/năm. Philippines đưa ra dự luật vào tháng 5 về việc đánh thuế các hãng như Facebook, Google, YouTube, Netflix và Spotify, nhằm có ngân sách để đối phó với dịch Covid-19. Mức thuế dự kiến 12% ước tính sẽ giúp Philippines thu về 571 triệu USD hằng năm và còn có thể giúp đầu tư các chương trình tài chính số như dự án băng thông rộng quốc gia và giáo dục trực tuyến.
Theo Liên minh Internet châu Á (AIC), việc thiếu bộ khung chung cho chính sách thuế toàn cầu có thể làm nới rộng hơn “khoảng cách số”, vì chính sách khác biệt có thể làm nản lòng các nhà đầu tư, thương mại xuyên biên giới và việc tiếp cận sáng tạo tại nhiều cộng đồng. “Chi phí và sự phức tạp trong việc mỗi nước áp dụng các quy định riêng sau cùng sẽ đánh vào túi tiền của người tiêu dùng và có thể làm chùn chân tham vọng của các công ty đầu tư để phát triển trong tương lai”, trang The Scoop dẫn lời Giám đốc điều hành AIC Jeff Paine nhận định.
Chuyên gia Abhineet Kaul, tại Công ty nghiên cứu thị trường Frost and Sullivan (Mỹ), cho rằng các hãng công nghệ lớn đang đẩy các chi phí gia tăng về phía người dùng, tương tự như thuế thuốc lá và rượu bia, nên sẽ là một bước lùi trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ. Tuy nhiên, chuyên gia thuế Senthuran Elalingam tại Công ty tư vấn Deloitte Malaysia cho rằng đại dịch đã thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật số tại Đông Nam Á, nên các chính sách thuế mới sẽ không làm giảm doanh thu của các hãng công nghệ, mà trên thực tế doanh thu của họ còn tăng hơn so với trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.