'Các doanh nghiệp đang bối rối thì người lao động phổ thông đã tự chuyển đổi số'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
08/11/2022 18:15 GMT+7

Tại Hội thảo “ Doanh nhân trẻ Việt Nam - Chuyển mình đổi số”, chuyên gia cho rằng khi các doanh nghiệp đang bối rối trước việc chuyển đổi số, thì những người lao động phổ thông đã tự tìm cách chuyển đổi số.

Chiều 8.11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đã diễn ra Hội thảo “Doanh nhân trẻ Việt Nam - Chuyển mình đổi số” do T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ Công nghệ và chuyển đổi số Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức, với sự tham dự của hơn 300 đại biểu doanh nhân trẻ đến từ Hội Doanh nhân trẻ các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội thảo “Doanh nhân trẻ Việt Nam - Chuyển mình đổi số” với sự tham dự của 300 doanh nhân trẻ

bảo anh

Ban tổ chức cho biết hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nền kinh tế số trong thời đại 4.0, giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt các cơ hội và hiểu rõ những thách thức trong quá trình chuyển đổi số để quản lý, vận hành tốt doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết

Khai mạc hội thảo, ông Lê Trí Hải, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết, giúp các doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, nhằm tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển.

"Nhiều doanh nghiệp nhận thức được điều này và đang có sự thay đổi mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa bắt đầu hành trình chuyển đổi số của mình, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Hải nói.

Ông Lê Trí Hải cho rằng nhiều doanh nghiệp chưa bắt đầu hành trình chuyển đổi số

bảo anh

Theo ông Hải, chuyển đổi số doanh nghiệp là chiến lược được quyết định bởi các cấp lãnh đạo và thường được quan tâm nhiều hơn bởi các cán bộ quản lý cấp cao.

Do đó việc phổ biến thông tin, truyền cảm hứng, khích lệ người lao động trong doanh nghiệp thay đổi văn hóa làm việc vận dụng chuyển đổi số trong các hoạt động và thích ứng với sự thay đổi này là một việc không hề đơn giản đối với bất cứ một doanh nghiệp Việt nào.

Các doanh nhân trẻ tham dự hội thảo

bảo anh

Ông Hải hy vọng hội thảo sẽ phần nào giúp các doanh nhân, doanh nghiệp có thêm động lực để thay đổi tư duy về sự cần thiết của chuyển đổi số tại doanh nghiệp và sẽ có những sự kết nối thành công với các đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số.

Sẵn sàng tâm thế hành động, đột phá

Chia sẻ tại hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng trong thời đại kinh tế số, quy mô lớn hay nhỏ không quan trọng mà quan trọng là “đi nhanh hay đi chậm”. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, chuyển đổi số không còn là viễn cảnh xa vời, mà là một nhu cầu tất yếu, quyết định sự sống còn đối với mỗi doanh nghiệp.

Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số Lê Nguyễn Trường Giang trao đổi thông tin tại hội thảo

bảo anh

Theo ông Giang, để trở thành doanh nghiệp số, tận dụng được các cơ hội chưa từng có của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ cần không ngừng đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tâm thế “hành động”, “đột phá”, chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động và kịp thời hành động để bứt phá trong kinh doanh.

“Hội thảo hôm nay chính là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp sẽ cùng trao đổi, chia sẻ những bài học, kinh nghiệm quý báu trong vấn đề chuyển đổi số, lấy chuyển đổi số làm trung tâm trong mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh và điều hành doanh nghiệp, để làm sao “Lan toả khát vọng - sẵn sàng bứt phá” trong chuyển đổi số, để chuyển đổi số không chỉ là cụm từ nằm trên giấy, mà phải thực sự đi vào cuộc sống một cách thiết thực nhất”, ông Giang nhấn mạnh.

Các chuyên gia trao đổi thông tin tại hội thảo

bảo anh

Đặc biệt, ông Giang đã dẫn câu chuyện chuyển đổi số từ những người bình dị nhất, đó là 1 người lái xe dịch vụ đưa đón sân bay.

“Họ tận dụng Zalo để lập group kết nối những người có xe để phân chia các chuyến xe đưa đón và 'bắn' khách cho nhau. Họ dùng Flighradar24 để nắm thông tin chuyến bay căn giờ đưa đón chính xác, tiết kiệm thời gian, không làm phiền khách hàng.

Họ post nội dung đưa đón, chi phí hàng ngày lên Zalo để giữ kết nối với khách hàng. Họ dùng Momo, tài khoản e-banking để nhận tiền khách hàng chuyển khoản…”, ông Giang kể.

Ông Giang cho rằng khi các doanh nghiệp đang bối rối để tìm ra các phương án tối ưu chuyển đổi số, thì những người lao động phổ thông đã tự tìm cách chuyển đổi số, tận dụng công nghệ để tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, gia tăng thu nhập.

Chuyên gia cho rằng các doanh nhân trẻ phải sẵn sàng tâm thế chuyển đổi số

bảo anh

“Vậy câu hỏi: doanh nghiệp, các tổ chức nhà nước thấy gì từ những hoạt động chuyển đổi, ứng dụng số hoá này vào vận hành hàng ngày? Làm sao để tránh các rủi ro lãng phí thời gian nguồn lực, tài chính khi không tìm được giải pháp đúng để chuyển đổi số? Đây liệu có phải là những câu hỏi quan trọng nhất để chuẩn bị cho việc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp tổ chức?”, ông Giang nêu câu hỏi.

Tại hội thảo, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cùng Hiệp hội phần mềm và công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Tập đoàn FPT đã ký Thỏa thuận hợp tác trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Tại đây, Câu lạc bộ Công nghệ và Chuyển đổi số Doanh nhân trẻ Việt Nam đã ra mắt các thành viên thường trực. Đây là đơn vị trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, được thành lập với mục tiêu tập hợp và liên kết doanh nhân trẻ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, hoặc quan tâm tới lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số, nhằm hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau tạo ra những giá trị hiệu quả, giúp doanh nghiệp hội viên chuyển đổi số thành công.

Dịp này, Câu lạc bộ đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tiên với Viện Chiến lược Chuyển đổi số nhằm xây dựng bộ giải pháp hoàn chỉnh cho các doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.