Chuyển đổi số báo chí, con đường không thể khác

Thu Hằng
Thu Hằng
04/11/2022 22:17 GMT+7

Chuyển đổi số báo chí không chỉ là trào lưu mới mà cần phải được lan toả, triển khai đến các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số không chỉ ở các cơ quan báo chí T.Ư, mà ở cả các cơ quan báo chí địa phương.

Đây là khẳng định của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh tại Diễn đàn Tổng biên tập 2022, với chủ đề: “Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam: Xu thế tất yếu hay trào lưu nhất thời?” do Báo Nhà báo và Công luận tổ chức chiều nay, 4.10 tại Thanh Hóa. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Gala Báo chí 2022.

Diễn đàn TBT 2022 với sự tham gia của gần 60 lãnh đạo các cơ quan báo chí trong cả nước

CL

Sau hơn một năm tạm hoãn tổ chức vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, diễn đàn đã trở lại với sự tham gia của gần 60 tổng biên tập, phó tổng biên tập các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương.

Chuyển đổi số "đắt đỏ", nhưng không thể không làm

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, từ đầu năm đến nay, chuyển đổi số báo chí đã trở thành chủ đề rất nóng. Sự quan tâm của các cơ quan báo chí với vấn đề này càng ngày càng tăng. Cả nước đang trong quá trình chuyển đổi số và báo chí cũng trong quá trình này. Nếu không muốn mất độc giả, khán thính giả và quan trọng hơn là nếu không đi theo lộ trình này, chúng ta sẽ không thực hiện được sứ mệnh của mình là đưa đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với những độc giả, trong nước và quốc tế.

Ông Minh bày tỏ: "Một số cơ quan báo chí đã tiến hành chuyển đổi số mạnh mẽ, nhưng một số cơ quan chưa có được thành công trong việc chuyển đổi số so với sự phát triển chung của xã hội. Chúng tôi mong muốn chuyển đổi số báo chí không chỉ là trào lưu mới mà cần phải được lan toả, triển khai đến các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số không chỉ ở các cơ quan báo chí T.Ư, mà ở cả các cơ quan báo chí địa phương…”.

Tuy nhiên, theo ông Minh, chuyển đổi số thành công hay không phải là nỗ lực tự thân của các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà là vấn đề tư duy, phải thay đổi tư duy của người đứng đầu cho đến toàn bộ toà soạn thì mới thành công.

Là một trong những cơ quan báo chí đi đầu về chuyển đổi số, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamnet, cho hay các công ty công nghệ lớn không mặn mà với việc hợp tác với báo chí, hoặc đưa ra mức giá đề nghị quá cao nên sự khởi đầu là rất khó khăn. Cho đến nay, đây vẫn là một vấn đề lớn đối với các cơ quan báo chí nói chung do tại Việt Nam, các công ty công nghệ chuyên sâu về lĩnh vực báo chí vẫn không nhiều.

“Các cơ quan báo chí thường rất hào hứng với “chuyển đổi”, song khi đến phần “số” thì vấp phải nhiều khó khăn, do xây dựng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là rất phức tạp và đắt đỏ. Tuy nhiên, dù khó khăn, nhưng đây là con đường không thể khác để phát triển báo chí”, ông Tuấn nói.

Ông Lê Quang Minh, Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội chia sẻ những trăn trở trong quá trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí

CL

Trong bối cảnh tài chính các cơ quan báo chí đều rất khó khăn, nhà báo Lê Quang Minh, Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội, nhìn nhận chuyển đổi số hiện tại "rất đắt đỏ" và với cơ chế hiện nay, nhiều đơn vị báo chí không dễ để làm. "Hiện nay, từ góc độ các cơ quan nhà nước, việc đầu tư cho công nghệ là rất khó khăn. Nếu làm phần cứng thì dễ, vì tất cả trên công bố rồi, nhưng phần mềm rất khó. Mà hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí rất khó khăn trong vấn đề chuyển đổi công nghệ ở góc độ đó", ông Minh chia sẻ.

Thừa nhận tài chính đúng là một vấn đề của hầu hết cơ quan báo chí do việc đầu tư vào công nghệ và phần mềm kỹ thuật số báo chí là rất đắt đỏ, ông Lê Quốc Minh, cho rằng việc mua lại các công nghệ CMS hàng đầu là rất đắt đỏ, ngoài khả năng của phần lớn các cơ quan báo chí của Việt Nam. Thậm chí nếu không tận dụng được, đây còn được xem như một sự lãng phí. Mua công nghệ tốt rồi mà không biết sử dụng thì cũng không giải quyết được việc gì.

Ông Lê Quốc Minh gợi mở: “Thay vì kết hợp với các công ty công nghệ lớn vốn đắt đỏ, thậm chí không mặn mà hợp tác với báo chí, thì các cơ quan báo chí có thể tìm kiếm các đối tác nhỏ, thậm chí các nhóm sinh viên công nghệ để tìm ra những giải pháp ấn tượng. Đôi khi chúng ta tìm ra các đối tác vừa phải nhưng lại đem lại những kết quả hiệu quả, thay vì các đối tác lớn và có nhiều kinh nghiệm”.

Đào tạo về kỹ năng công nghệ cho đội ngũ phóng viên

Trước những khó khăn của các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam bày tỏ: "Mong muốn lãnh đạo Bộ TT-TT, Ban Tuyên giáo T.Ư và các bộ, ngành có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, để có thể đến lúc chúng ta được đầu tư toàn diện cho báo chí kể cả về công nghệ và chi phí sản xuất nội dung, thông qua việc sửa đổi rất nhiều các chính sách hiện nay... Ví dụ như chính sách đặt hàng, kinh phí hỗ trợ của các địa phương... đều cần sự hỗ trợ thì báo chí mới giữ vững trên mặt trận thông tin, giữ vững về mặt tư tưởng, định hướng được dòng thông tin chủ lưu, từ đó sản xuất nội dung chuyên sâu".

Nói về chuyển đổi số tại Báo Nhân Dân, ông Lê Quốc Minh cho biết sắp tới báo Nhân Dân sẽ triển khai toà soạn không giấy. Chúng tôi đang thử nghiệm hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) để tìm hiểu hành vi người dùng và quản trị trụ sở báo Nhân Dân trên toàn quốc. Dùng AI để quản trị.

Dưới góc độ cơ quan quản lý báo chí, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT) chia sẻ mục tiêu chuyển đổi số phải tập trung vào nội dung và nội dung là cốt lõi. Ở quan điểm người làm báo, chuyển đổi số không phải là mục đích mà là phương tiện để đạt được mục tiêu. Chuyển đổi số giúp có nhiều độc giả xem, độc giả nghe và nâng cao giá trị tờ báo và doanh thu tăng.

Ông Phúc cho rằng, cần thúc đẩy các thoả thuận hợp tác giữa các cơ quan báo chí, để hỗ trợ nhau. Mục tiêu là nâng cao nhận thức của các cơ quan báo chí về chuyển đổi số. Qua khảo sát và kinh nghiệm thực tế của các nước, bộ phận công nghệ rất quan trọng, họ hình thành các đội ngũ công nghệ trong tờ báo.

"Xây dựng nền tảng số cho phát thanh truyền hình được đầu tư bài bản, có một nền tảng số quốc gia dùng chung. Với báo chí, chúng tôi cũng kỳ vọng có một nền tảng như vậy. Mô hình này sẽ điều tiết và làm một số công việc cụ thể, đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ phóng viên về nhận thực, kiến thức”.

Riêng ở góc độ Hội Nhà báo Việt Nam, ông Lê Quốc Minh cho biết Hội Nhà báo và Bộ TT-TT vẫn đang vẫn đang tổ chức rất nhiều những khoá đào tạo, đào tạo về kỹ năng quản lý, kỹ năng báo chí nói chung. Chuyển đổi số, kỹ năng công nghệ là sẽ là chủ đề được đưa vào nhiều hơn trong các khoá đào tạo trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.