Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số

Thu Hằng
Thu Hằng
10/10/2022 12:18 GMT+7

Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Đây là quan điểm xuyên suốt của Chính phủ mà Thủ tướng Phạm Minh Chính muốn gửi gắm trong chương trình Ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia do Bộ TT-TT tổ chức sáng nay 10.10.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình

Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, năm 2022 là năm đầu tiên Ngày CĐS quốc gia được tổ chức. Đây là sự kiện quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tiếp tục đẩy mạnh CĐS quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Cùng với xu thế chuyển đổi xanh, Thủ tướng nêu rõ CĐS là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày. CĐS góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, CĐS còn giúp nâng cao năng suất lao động; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem CSĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu coi CĐS là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Chương trình CSĐ quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ triển khai theo hướng CĐS một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.

Để thực hiện được CĐS quốc gia một cách hiệu quả, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.

“Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của CĐS. CĐS phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho hay, Chính phủ đưa ra 5 thông điệp về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.

Theo đó, tập trung vào hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược CSĐ. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.

Nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Tập trung triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH-CN. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

Các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến…

Tăng cường truyền thông về lợi ích của CĐS để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.

Với quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thời gian qua, Thủ tướng tin tưởng: “Công cuộc CĐS quốc gia sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được ấm no, hạnh phúc”.

Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức Ngày CĐS quốc gia và hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm nay, Bộ TT-TT phát động Chương trình “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số” hướng tới mục tiêu để người dân được thụ hưởng những lợi ích của CĐS, để doanh nghiệp công nghệ số được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng.

Hưởng ứng ngày CĐS quốc gia 10.10, cơ quan nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp đồng hành với người dân trong tiến trình chuyển đổi số bằng cách đồng loạt có chính sách ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên đến 50% giá sản phẩm, dịch vụ. Để biết các thông tin chi tiết, người dân truy cập vào Cổng thông tin chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ: https://dx.gov.vn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.