Dấu ấn chuyển đổi số quốc gia: 'Chỉ cần click chuột là xong'

10/10/2022 07:15 GMT+7

Hiện nay, hàng trăm thủ tục hành chính được các bộ ngành, địa phương thực hiện qua môi trường internet.

Chị Hoàng Kim Tuyết (37 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) làm thủ tục đổi hộ chiếu mới cho mình cùng 2 con nhỏ qua trang thông tin điện tử của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) tại địa chỉ https://hochieu.xuatnhapcanh.gov.vn. Chị Tuyết thao tác nhập thông tin cá nhân vào các mục theo yêu cầu khá đơn giản, chừng 5 phút là xong.

Sau khi gửi hồ sơ lên hệ thống, chị Tuyết nhận được một mã số nộp hồ sơ gửi về email và hẹn ngày lên làm thủ tục trực tiếp. Hôm sau, chị lên Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP.HCM) lấy số thứ tự vào làm hồ sơ trực tiếp, rồi chọn dịch vụ nhận kết quả tại nhà thông qua bưu điện. Với cách làm này, chị Tuyết không phải xếp hàng chờ đợi lấy mẫu kê khai, có khi phải ra về vì hết số thứ tự. “Ngồi ở nhà làm vừa mát mẻ, vừa nhanh chóng. Chỉ cần click chuột là xong. Các hướng dẫn cách làm trực tuyến đều có đầy đủ trên trang thông tin điện tử”, chị Tuyết nói.

Trao đổi với Thanh Niên, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên cả nước ban hành chương trình chuyển đổi số (CĐS) gồm 3 nội dung trọng tâm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; trong đó tập trung vào lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, mang lại các tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Với cổng dịch vụ công “một cửa điện tử” (tại địa chỉ https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn - khi truy cập vào sẽ có hướng dẫn cụ thể về cách nộp hồ sơ trực tuyến) của UBND TP.HCM, hiện TP.HCM đã đưa 805/1.766 thủ tục giải quyết trực tuyến, đồng thời sẽ đưa thêm 428 thủ tục đủ điều kiện khác trong năm 2022. Cùng với chức năng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, cổng “một cửa điện tử” còn có chức năng giúp công dân quản lý hồ sơ đã được giải quyết, tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ…, tạo ra nhiều tiện ích cho công dân khi cần giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.

Riêng ở lĩnh vực đất đai, hồi giữa tháng 8.2022, Sở TN-MT TP.HCM công bố nền tảng dữ liệu tài nguyên và môi trường gồm 450 tệp dữ liệu về phân khu chức năng, diện tích đất, quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất... Trên cơ sở dữ liệu này, người dân có thể truy cập để biết thông tin; các ngành khác như giao thông, xây dựng, quy hoạch có thể khai thác để giải quyết vấn đề của từng ngành.

Số hóa thông tin hộ tịch

Đối với một số tiện ích khi dữ liệu được số hóa và được chia sẻ, bà Võ Thị Trung Trinh cho hay TP.HCM đưa vào khai thác 12,8 triệu hồ sơ số hóa hộ tịch 4 về khai sinh, khai tử, kết hôn và nhận cha, mẹ, con. Từ ngày 15.6, TP.HCM thí điểm khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa hộ tịch để thực hiện cấp bản sao trích lục 4 hồ sơ trên mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ thông tin hộ tịch và nơi cư trú của người dân. Đến nay, Sở Tư pháp và các cơ quan đăng ký hộ tịch tại TP.HCM đã cấp hơn 205.000 bản sao cho người dân có nhu cầu.

“Tiện ích này được người dân rất hoan nghênh”, bà Trinh nhận định, đồng thời cho biết Sở TT-TT đang phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND TP.HCM đề nghị Bộ Tư pháp triển khai thí điểm cấp bản sao hộ tịch điện tử tại TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.