Doanh nghiệp lớn hiến kế phát triển kinh tế đất nước

Mai Phương
Mai Phương
21/09/2024 15:26 GMT+7

Sáng 21.9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tại hội nghị, tất cả các doanh nghiệp tham gia đều chia sẻ về tình hình hoạt động, các khó khăn vướng mắc, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ; chia sẻ suy nghĩ, tầm nhìn, tìm ra giải pháp cho các bài toán lớn của đất nước nhằm đạt được mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như đã đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.

Doanh nghiệp lớn hiến kế phát triển kinh tế đất nước- Ảnh 1.

Thủ tướng trao đổi với các doanh nghiệp lớn sáng 21.9

ẢNH: VGP

Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sovico Group cho biết, Sovico là tập đoàn kinh tế đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực: Ngân hàng, Hàng không, Phát triển đô thị, đào tạo nghề, Công nghệ - chuyển đổi số… với hơn 40.000 cán bộ công nhân viên, với 2 doanh nghiệp niêm yết, vốn hóa khoảng gần 6 tỉ USD. Nữ doanh nhân khẳng định, năng lực, sáng kiến của các Tập đoàn Việt Nam là không giới hạn; mong muốn Thủ tướng Chính phủ tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế, môi trường cho các doanh nghiệp dân tộc để hình thành các Tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp. Trong đó, tạo môi trường cho phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động toàn xã hội; tạo điều kiện, cơ chế để Vietjet chủ động đầu tư, xây dựng một đội máy bay Việt Nam hùng mạnh.

Bà Thảo hoan nghênh chính sách thị thực (e-visa) giúp hàng không thu hút nhanh nhất khách du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam; đặc biệt bày tỏ ước mơ đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng không, động lực tăng trưởng của hàng không khu vực và thế giới, trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa; trung tâm đào tạo, công nghệ hàng không, trung tâm sửa chữa bảo dưỡng tàu bay…

Cần có chính sách bảo vệ sản xuất trong nước

Theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát: Hòa Phát đang là doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam với sản lượng trên 8 triệu tấn. Từ 2025, sau khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành thì năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát là hơn 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, thép chất lượng cao. Hòa Phát cũng là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, tương đương Top 50 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Hiện nay, Hòa Phát có Khu liên hợp sản xuất thép lớn nhất tại tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn đã đầu tư khoảng 7 tỉ USD vào đây. Khi dự án Dung Quất 2 ổn định, doanh thu hàng năm từ 150.000 - 250.000 tỉ đồng, đóng góp ngân sách khoảng 15.000 - 20.000 tỉ đồng/năm. Lũy kế trong hơn 10 năm qua, Hòa Phát đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 100.000 tỉ đồng. "Nếu đánh giá 1 doanh nghiệp thuần sản xuất công nghiệp thì Hòa Phát đang là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam", ông Long nhấn mạnh.

Doanh nghiệp lớn hiến kế phát triển kinh tế đất nước- Ảnh 2.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long (đứng) phát biểu tại hội nghị sáng 21.9

ẢNH: VGP

Chủ tịch Hòa Phát đề xuất 3 vấn đề và nhấn mạnh đây là những vấn đề chung của các doanh nghiệp chứ không của riêng Hòa Phát. Đề xuất đầu tiên là để đất nước phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn thì cần đặc biệt tháo gỡ về thể chế chính sách. Việc này cần làm nhanh hơn, nhanh hơn và nhanh hơn nữa thì rất có lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ như quy hoạch cảng biển ảnh hưởng rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Riêng với Hòa Phát có nhu cầu bốc xếp 70 triệu tấn/năm, nếu không xong các cảng theo quy hoạch thì không thể hoạt động hiệu quả được. Hay như đề xuất của Hiệp hội thép Việt Nam về quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm thép đề xuất 10 năm nay chưa xong.

Đề xuất thứ 2 là cần có văn bản thể hiện rõ ràng việc ủng hộ, bảo vệ sản xuất trong nước. "Tất cả các nước đều quan tâm, thậm chí dựng hàng rào bảo vệ sản xuất nội địa. Gần đây các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ có nhiều chỉ đạo khiến doanh nghiệp thấy ấm lòng vì nhận được sự quan tâm kịp thời. Rất mong Chính phủ, các Bộ ban ngành có chính sách quy định cụ thể, ủng hộ, bảo hộ hợp lý chính đáng theo các quy định của Việt Nam và thế giới cho sản xuất trong nước để doanh nghiệp yên tâm đầu tư", ông Long kiến nghị. Đề xuất thứ 3 là nếu Nhà nước muốn có các doanh nghiệp lớn như Pohang, Posco của Hàn Quốc thì Chính phủ cần có chính sách đặc biệt, đặc thù, thậm chí là phi kinh tế để nuôi dưỡng các doanh nghiệp đủ lớn. "Mong là trong quy hoạch, chiến lược phát triển ngành thép có biện pháp cụ thể để nuôi dưỡng phát triển được doanh nghiệp sản xuất thép lớn. Khi đó, ngành công nghiệp phụ trợ cũng sẽ phát triển, hạn chế phụ thuộc hàng nhập khẩu", ông Long nói.

Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát dẫn chứng, Chiến lược phát triển ngành thép đặt mục tiêu năm 1995 Việt Nam tham gia Hiệp hội Thép Đông Nam Á và Việt Nam đứng thứ 5 với sản lượng rất thấp. Tuy nhiên, báo cáo của Hiệp hội thép thế giới cho thấy hiện nay, Việt Nam đã vươn lên Top 12 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, đứng đầu Đông Nam Á với sản lượng 20 triệu tấn thép thô (số liệu đến 2023). Ước tính từ năm 2024, mỗi năm Hòa Phát cần 4 tỉ USD nhập nguyên liệu, nếu bộ ngành cho phép khai thác mỏ Quý Xa sẽ đỡ cho doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều, hạn chế chảy máu ngoại tệ, tốt cho đất nước. Chính phủ có thể đấu giá công khai, làm nhanh các thủ tục để đưa vào khai thác mỏ quặng sắt này.

"2 -3 năm nay chúng tôi đã nghiên cứu dòng sản phẩm thép làm đường ray. Tôi khẳng định việc sản xuất thép đường ray hoàn toàn nằm trong khả năng của Hòa Phát. Dây chuyền Khu liên hợp tại Dung Quất của Hòa Phát áp dụng công nghệ hiện đại nhất của châu Âu và các nước G7, thậm chí hiện đại hơn rất nhiều nhà máy thép của Trung Quốc. Nhưng để làm đường ray có đặc thù, rất khó khăn. Trước đây Việt Nam làm đường sắt ray dài 20-25m, đường ray tàu cao tốc 150-200km/h thì ray cần dài 50m. Vừa qua Trung ương quyết định đầu tư đường sắt tốc độ cao tới 350km/h thì đường ray bắt buộc phải dài 100m. Các nhà máy sản xuất thép ray ở Hàn Qiốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều làm nhà máy thép đường ray ngay cạnh dự án. Ở đây là khâu vận chuyển sản phẩm này rất khó khăn nếu như nhà máy ở xa dự án, tương tự như vận chuyển cột điện gió. Về kỹ thuật là không khó nhưng có 1 số điều kiện thực tế là khó khăn. Nên nếu Chính phủ, Thủ tướng giao cho doanh nghiệp làm, thì Hòa Phát có thể làm nhiều loại thép cung cấp cho dự án, không riêng thép đường ray", ông Long tự tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.