Ngày 23.10, Viện khoa học xã hội vùng Nam bộ đã tổ chức hội thảo trực tuyến công bố nghiên cứu “Giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh đảm bảo mục tiêu kép của doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM”.
Doanh nghiệp cần được chủ động trong phòng chống dịch
PGS.TS Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Nam bộ đã trình bày báo cáo tại hội thảo.
Theo đó, trong “Bộ tiêu chí an toàn sản xuất tại doanh nghiệp” của TP.HCM thì có một số tiêu chí được doanh nghiệp đánh giá có tính khả thi thấp như quy định xét nghiệm âm tính trước khi vào làm việc và tất cả người lao động (NLĐ) tham gia sản xuất đạt điều kiện; quy định khoảng cách an toàn tại nơi làm việc; kiểm soát lưu thông và nơi lưu trú của NLĐ... do các tiêu chí này làm tăng chi phí sản xuất quá mức, ít chú trọng đến tính hiệu quả của sản xuất và các điều kiện thực tế khi áp dụng...
Hội thảo trực tuyến công bố nghiên cứu của Viện khoa học xã hội vùng Nam bộ ngày 23.10 |
chụp màn hình |
PGS.TS Sang cũng thông tin, các doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách hỗ trợ về tài chính như miễn, giảm, giãn thuế, cơ cấu lại thời gian trả nợ vay; hỗ trợ tiêm vắc xin cho NLĐ. Tuy nhiên, cũng chính các doanh nghiệp lại đánh giá các chính sách hỗ trợ về sinh phẩm và quản lý dịch bệnh; hỗ trợ chuỗi cung ứng như quản lý thị trường, quy định về giao nhận, vận tải... có tính hiệu quả thấp do sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ; chưa có hướng dẫn cụ thể, đầy đủ để thực hiện...
Tại hội thảo, trả lời câu hỏi của người tham gia: “Vấn đề nào gây vướng nhất khi các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh?”, ông Sang cho hay, các doanh nghiệp gặp khó khăn trước mắt nhất là về sự đứt gãy, trở ngại trong vấn đề lưu thông hàng hóa; thứ hai là mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”; thứ ba là khó khăn về thiếu hụt nguồn lao động khi một lượng lớn nhân công đã rời khỏi TP.HCM để về quê và gặp nhiều trở ngại khi quay lại.
Tại hội thảo, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cũng kiến nghị về việc trao quyền cho DN để chủ động tự kiểm soát phòng chống dịch tại đơn vị; nhà nước cần công bố rõ ràng, thống nhất chính sách phục hồi, xác định điều kiện, tiêu chí mở cửa; đơn giản hóa quy trình vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy...
Nhà hàng, quán ăn ở TP.HCM hoạt động trở lại cần thực hiện những gì? |
NLĐ quyết định sự thành bại của doanh nghiệp
Tham gia ý kiến, ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn kiến nghị, chính quyền cần đánh giá tính toàn diện của 3 chủ thể tác động đến xã hội là quản lý nhà nước, doanh nghiệp, công nhân – NLĐ để triển khai, thực hiện các quyết sách sắp tới.
TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết (thành viên nhóm khảo sát) cũng phân tích, chưa lúc nào như lúc này mới thấy rõ tầm quan trọng của mối quan hệ, sự gắn bó giữa người chủ sử dụng lao động và NLĐ. Có thể thấy, NLĐ quyết định sự thành bại của doanh nghiệp như ngay trong giai đoạn thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hay đến lúc quay lại TP.HCM.
Theo TS Tuyết, bài học rút ra là mối quan hệ tương tác giữa doanh nghiệp với NLĐ, đồng thời là sự hỗ trợ của doanh nghiệp, chính sách an sinh của nhà nước dành cho NLĐ trong giai đoạn họ hoãn, mất việc. “Hầu hết doanh nghiệp trụ lại, phục hồi tốt, vượt qua khủng hoảng nhanh đều có bộ phận phản ứng nhanh, giữ được mối quan hệ tương tác với NLĐ”.
Bản tin Covid-19 ngày 23.10: TP.HCM sẽ tiêm vắc xin cho trẻ em trong vòng 1 tuần |
GS-TS Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng lưu ý doanh nghiệp, nhà nước cần phải chăm lo tốt hơn điều kiện sống và làm việc của NLĐ. “Công cuộc phòng chống Covid-19 không chỉ là về y tế, vắc xin, mà còn là xã hội. Chúng ta nói nhiều về an sinh xã hội nhưng chỉ về mặt cứu trợ, hỗ trợ nhưng ít nói đến chuyện cuộc sống của NLĐ sống như nơi ở, nơi làm việc, con cái của họ đi học thế nào..”.
TS Lê Văn Thành cũng nêu ý kiến, việc NLĐ “di cư ngược” hiện nay là vì đã kiệt quệ. Trước mắt, chính quyền và doanh nghiệp phải có giải pháp để NLĐ quay trở lại TP.HCM làm việc, trở về vị trí cũ. Còn về lâu dài, cần tìm nguồn lao động để bổ sung cho TP.HCM.
Bình luận (0)