Đông Nam Á chung một khát vọng
Bóng đá Đông Nam Á vẫn là "vùng trũng" châu Á, thể hiện ở thành tích khiêm tốn tại sân chơi châu lục cũng như vòng loại World Cup từ trước đến nay.
Đội tuyển Thái Lan là đại diện Đông Nam Á có số lần tham dự vòng loại thứ ba World Cup nhiều nhất (cũng là vòng loại cuối cùng) với hai lần, nhưng sau 16 trận đã đấu tại vòng loại ba World Cup 2002 và 2018, đội bóng xứ chùa vàng chưa từng giành chiến thắng, có 6 trận hòa và 10 thất bại, cả hai lần đều xếp cuối bảng.
Đội tuyển Việt Nam lần đầu lọt vào vòng loại thứ ba World Cup và giành chiến thắng lịch sử trước đội tuyển Trung Quốc cách đây 1 năm, nhưng cũng không thoát cảnh xếp cuối bảng.
Nhìn chung với thể thức cũ (châu Á chỉ có 5,5 suất dự World Cup), thông thường các suất đá vòng chung kết thuộc về các đội nhóm một như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Úc, Ả Rập Xê Út. Các đội Đông Nam Á chưa đủ sức cạnh tranh với nhóm hai gồm UAE, Qatar, Uzbekistan, Trung Quốc, Iraq, Syria, Oman hay Bahrain, chứ chưa nói đến vượt lên đua cùng nhóm đầu.
Tuy nhiên, vòng loại World Cup 2026 có thể chứng kiến sự vươn mình của bóng đá Đông Nam Á. Trước tiên, việc mở rộng suất dự vòng chung kết từ 5,5 lên 8,5 (gồm 8 suất chính thức và 1 suất play-off) giúp cơ hội của các đội nhóm hai, trong đó có Việt Nam, Thái Lan tăng lên.
Ngoài ra, các đội tuyển Đông Nam Á đều đang có bước tiến bộ, cùng quá trình chuẩn bị kỹ càng. Đội tuyển Thái Lan đã chuẩn bị cho vòng loại World Cup bằng loạt trận giao hữu với những đội bóng châu Âu như Georgia hay Estonia, sau khi đấu Iraq ở King's Cup. Với dàn cầu thủ đồng đều, trong đó nổi bật là bộ đôi Theerathon Bunmathan và Chanathip Songkasin, đội tuyển Thái Lan vẫn là tập thể giàu thực lực.
Đội tuyển Indonesia mơ World Cup bằng việc bổ nhiệm HLV Shin Tae-yong từ năm 2020, đào tạo nên lứa trẻ với những gương mặt chất lượng như Witan Sulaeman (22 tuổi), Arkhan Fikri (20 tuổi), Egy Maulana (23 tuổi) hay Rafael Struick (20 tuổi) - cầu thủ đang chơi bóng ở Hà Lan.
Ngoài ra, đội bóng có biệt danh "Garuda" cũng nhập tịch nhiều sao tên tuổi như Elkan Baggott (đang cho cho Ipswich Town của Anh), Jordi Amat (cựu trung vệ Swansea từng đá ở Ngoại hạng Anh) hay Marc Klok (từng đá giải Hà Lan).
Để tích lũy kinh nghiệm, Indonesia còn "chơi lớn" khi mời đương kim vô địch World Cup Argentina đá giao hữu. Khâu chuẩn bị được tiến hành từ đầu năm 2020 của Indonesia hướng tới tham vọng duy nhất: tiến xa ở vòng loại World Cup 2026.
Các đội Đông Nam Á khác như Philippines, Malaysia hay Singapore dù không được đánh giá cao, nhưng đều gấp rút chạy đua cho tham vọng. Philippines triệu tập nhiều sao đang chơi bóng tại châu Âu để tăng chất lượng đội hình, Malaysia đang trẻ hóa dưới bàn tay HLV Kim Pan-gon, là đối thủ đáng gờm.
Cơ hội
Sự chú ý của người hâm mộ Đông Nam Á sẽ tập trung vào bảng F, nơi có 3 đại diện Đông Nam Á gồm Việt Nam, Indonesia và Philippines tranh tài cùng Iraq. Do mỗi bảng có 2 đội nhất nhì vào vòng sau, nên chắc chắn Đông Nam Á sẽ có ít nhất 1 đại diện lọt vào vòng loại ba.
Đội tuyển Việt Nam vẫn được đánh giá cao, nhưng bài học ở vòng loại World Cup 2022 cho thấy những cuộc đối đầu với các đội tuyển Đông Nam Á luôn rất khó khăn.
Khi ở giai đoạn đỉnh cao, đội tuyển Việt Nam chỉ thắng sát nút ở 2 cuộc chạm trán với Malaysia, đều với cách biệt tối thiểu. Các học trò của thầy Park thậm chí để hòa Thái Lan khá vất vả ở hai lượt đi và về, cùng với tỷ số 0-0.
Do gặp nhau thường xuyên ở AFF Cup, nên các đội Đông Nam Á rất hiểu lối chơi, đấu pháp của nhau, thường chỉ vượt qua nhau bằng một khoảnh khắc. Rất khó xảy ra thế trận chênh lệch khi Việt Nam đối đầu Indonesia, Philippines ở những trận tới.
Đội tuyển Thái Lan và Singapore gặp thách thức khi rơi vào bảng C có Hàn Quốc và Trung Quốc. Đội tuyển Hàn Quốc vẫn là "ông kẹ" ở bảng này và gần như chắc chắn chiếm ngôi đầu. Do đó, Trung Quốc, Thái Lan và Singapore sẽ ganh đua quyết liệt cho ngôi nhì.
Đội Trung Quốc được đánh giá nhỉnh hơn, nhưng do cũng đang chuyển giao lực lượng, thầy trò HLV Aleksandr Jankovic chưa thắng khuất phục được người Thái.
Đội tuyển Malaysia có thể mơ mộng khi rơi vào bảng D không quá khó, với Oman, Kyrgyzstan và Đài Loan. Ngược lại, đội tuyển Myanmar sẽ gặp những đối thủ rất mạnh như Nhật Bản, Syria và "ẩn số" CHDCND Triều Tiên ở bảng B. Cơ hội để Myanmar nghĩ đến vòng loại ba là không nhiều.
Bình luận (0)