Apple tuyên bố dòng iPhone 12 của họ không bán kèm củ sạc, tai nghe vì mục đích “bảo vệ môi trường”. Việc cắt giảm một số phụ kiện sẽ giúp nhà sản xuất đỡ phải tiêu thụ nguyên liệu thô và giảm được hơn hai triệu tấn khí thải carbon.
Nhưng CNBC cho rằng hành động của Apple chưa thấm vào đâu, bởi mỗi năm những nhà sản xuất vẫn tung ra thị trường nhiều mẫu smartphone mới với tính năng hiện đại và mẫu mã hấp dẫn. Người dùng tiếp tục chạy theo vòng lặp mua smartphone mới rồi vứt bỏ hoặc bán giá rẻ smartphone cũ.
|
Kyle Wiens - Giám đốc điều hành của iFixit nói rằng dòng điện thoại mới không dễ tái chế. Ông cho biết: “Chúng tôi chưa có công nghệ để thu gom iPhone cũ, rã xác, nghiền nát và tái chế chúng thành iPhone mới. Về mặt vật lý, điều đó là không thể".
John Shegerian - Giám đốc điều hành của ERI nhận định: “Điện thoại và máy tính bảng là một thách thức lớn. Nhiều thiết bị không được lắp ghép bằng đinh vít mà được dán bằng keo. Keo khiến mọi thứ rất khó tháo rời và khó phục hồi nguyên liệu, vì nó làm giảm giá trị của chính sản phẩm”.
Theo Global E-Waste Monitor, khoảng 6,9 triệu tấn rác điện tử được thải ra chỉ riêng ở Mỹ trong năm 2019, trọng lượng tương đương với 19 tòa nhà Empire State. Trong đó, chỉ khoảng 15% được thu gom để tái chế. Một số khoáng chất và kim loại trong những thiết bị điện tử có hại cho cả con người lẫn môi trường. Con số smartphone bị thải loại trong năm 2020 có thể lên cao hơn nữa khi người dùng đổi sang những chiếc điện thoại tích hợp 5G.
Nhiều smartphone hiện nay có tuổi đời khoảng 1-2 năm, chỉ cần các hãng công nghệ sản xuất những chiếc smartphone dùng được trong vòng 4-5 năm là đã tạo ra sự khác biệt lớn. Cho đến khi loại smartphone bền bỉ hơn được tạo ra, các hãng như Apple, Google, Samsung cần phải cố gắng khắc phục vấn đề rác thải điện tử. Bản thân người dùng cũng cần có trách nhiệm hơn khi mua và loại bỏ thiết bị công nghệ.
Bình luận (0)