Không như trái đất luôn xoay quanh mặt trời, một số hành tinh trôi dạt trong không gian mà chẳng có ngôi sao nào kề bên. Trong màn đêm tối đen thiên thu của vũ trụ, các hành tinh “cô đơn” như thế này chìm sâu trong bóng tối và rất khó được phát hiện, cho đến khi các nhà khoa học nghĩ ra phương pháp quan sát độc nhất vô nhị dựa trên hiệu ứng thấu kính hấp dẫn.
tin liên quan
'Đại tiệc' hố đen giữa Dải Ngân hàĐây là biện pháp sử dụng trong trường hợp một hành tinh cần được nghiên cứu nằm giữa một ngôi sao nền và trái đất. Khi điều này diễn ra, hành tinh đóng vai trò như một thấu kính, bẻ cong ánh sáng phát ra từ ngôi sao đến điểm đích là địa cầu.
Nhờ vào phương pháp này, các chuyên gia của Đại học Warsaw (Ba Lan) đã tìm thấy cùng lúc 2 hành tinh di chuyển một cách lạc lõng ở phía xa của dải ngân hà. Một trong 2 thuộc nhóm hành tinh có kích thước nhỏ nhất từng lọt vào tầm quan sát của ống kính viễn vọng trái đất, theo New Scientist.Hai hành tinh trên lần lượt có tên OGLE-2017-BLG-0560 và OGLE-2012-BLG-1323, được đặt tên theo cuộc khảo sát OGLE do Đại học Warsaw triển khai từ năm 1992 đến nay. Hành tinh đầu tiên OGLE-2017-BLG-0560, được tìm thấy vào tháng 4.2017, với khối lượng có thể dao động từ gấp 1 đến 20 lần so với sao Mộc.
Việc tìm được chứng cứ cho sự tồn tại của hành tinh này đã thúc đẩy các chuyên gia quay ngược lại nghiên cứu các dữ liệu trước đó, dẫn đến sự phát hiện OGLE-2012-BLG-1323, kích thước nằm trong khoảng trái đất và Hải Vương tinh. Dù còn nhiều điều chưa rõ ràng, đội ngũ nghiên cứu Ba Lan khẳng định phát hiện của họ phù hợp với các giả thuyết hình thành hành tinh được phổ biến rộng rãi hiện nay. Theo đó, các hành tinh như OGLE-2017-BLG-0560 và OGLE-2012-BLG-1323 có lẽ đã bị hất khỏi hệ mặt trời của chúng nhiều năm trước.
Báo cáo mới, được công bố trên trang arXiv, cũng ủng hộ giả thuyết cho rằng những hành tinh cỡ trái đất, di chuyển tự do vì “mồ côi” sao trung tâm, nhiều khả năng đang tồn tại với khối lượng nhiều hơn hẳn so với các ngôi sao của dải ngân hà.
Bình luận (0)