Đây là thắc mắc của chị Đan Duyên (ở TP.HCM) về các quyền lợi mà người lao động có thể được hưởng nếu làm việc trong dịp tết 2025.
Trả lời câu hỏi này, luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ rằng về cơ bản, các quyền lợi và khoản tiền người lao động được hưởng trong dịp tết Dương lịch và Tết Nguyên đán có nhiều điểm tương đồng.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào quy định của từng doanh nghiệp cũng như thỏa thuận trong hợp đồng lao động mà số ngày nghỉ và chính sách thưởng cụ thể có thể khác nhau giữa hai dịp này.
Nhìn chung, theo luật Trương Văn Tuấn, một số quyền lợi và khoản tiền cơ bản mà người lao động có thể được hưởng bao gồm:
Chế độ thưởng tết
Điều 104 bộ luật Lao động 2019 quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động. Mức thưởng sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Người sử dụng lao động sẽ quyết định việc xây dựng và công bố quy chế thưởng, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nếu có.
Như vậy, việc quyết định thưởng cho người lao động dịp tết Dương lịch hay Tết Nguyên đán phụ thuộc vào chính sách và kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp, không phải là nghĩa vụ bắt buộc theo luật.
Người lao động được nghỉ và hưởng nguyên lương dịp tết
Điều 112 bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ làm và hưởng nguyên lương trong 1 ngày vào dịp tết Dương lịch (ngày 1.1 hằng năm).
Năm 2025, ngày 1.1 rơi vào thứ tư, do đó người lao động sẽ được nghỉ 1 ngày và hưởng nguyên lương.
Tương tự, người lao động còn được nghỉ làm, hưởng nguyên lương dịp Tết Nguyên đán; ngày Thống nhất đất nước 30.4, ngày Quốc tế Lao động 1.5, Quốc khánh 2.9, Giỗ tổ Hùng Vương 10.3 âm lịch.
Tiền lương làm thêm giờ
Điều 107 bộ luật Lao động 2019 quy định rằng người lao động chỉ làm thêm giờ nếu đồng ý, bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết Dương lịch, Tết Nguyên đán hay các ngày nghỉ khác theo quy định.
Do đó, nếu đi làm đi làm dịp tết Dương lịch, Tết Nguyên đán thì người lao động sẽ được tính lương làm thêm theo quy định tại điều 98 bộ luật Lao động 2019.
Cụ thể, người lao động được trả ít nhất 300% lương của ngày làm việc bình thường, chưa bao gồm tiền lương ngày nghỉ lễ.
Trường hợp làm việc vào ban ngày của ngày nghỉ tết, người lao động được trả ít nhất 300% lương của ngày làm việc bình thường, cộng thêm lương ngày nghỉ lễ (tổng cộng 400%).
Nếu làm việc vào ca đêm của ngày tết, người lao động được trả ít nhất 390% lương của ngày làm việc bình thường, cộng thêm lương ngày nghỉ lễ (tổng cộng 490%).
Ngoài ra, theo luật sư Tuấn, tùy thuộc vào chính sách của từng doanh nghiệp, người lao động có thể được hưởng thêm các phúc lợi khác như quà tặng hiện vật (thực phẩm, sản phẩm công ty hoặc phiếu mua hàng); được hỗ trợ chi phí đi lại hoặc tổ chức tiệc tất niên; các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần khác.
Những phúc lợi này không bắt buộc và do doanh nghiệp tự quyết định. Luật sư Tuấn cho rằng người lao động nên chủ động tìm hiểu quy chế công ty để nắm rõ quyền lợi của mình trong dịp tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025.
Bình luận (0)