(TNO) Hãng tin tình báo Stratfor (Mỹ) trong một bài phân tích hôm 28.8 đã đặt ra 3 kịch bản mà chính quyền Obama có thể sẽ áp dụng để can thiệp quân sự vào Syria.
>> Tổng thống Syria Assad chạy sang Iran ?
>> Ông Obama vẫn chưa quyết định tấn công Syria
>> Anh trình nghị quyết 'bảo vệ dân thường' Syria lên Liên Hiệp Quốc
>> Mỹ có thể tấn công Syria vào ngày mai
Theo đó, phương án tấn công trừng phạt hạn chế nhằm vào các mục tiêu quan trọng để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai sẽ là chiến dịch đơn giản nhất.
|
Một lựa chọn khác là tấn công các các sở lưu trữ và hệ thống triển khai vũ khí hóa học, nhưng kịch bản này cần huy động nhiều nguồn lực hơn so với biện pháp tấn công trừng phạt hạn chế, và nguy cơ trật kịch bản là rất cao.
Ngoài ra, Mỹ và đồng minh cũng có thể triển khai bộ binh để bảo đảm an toàn cho kho vũ khí hóa học cũng như quá trình tiêu hủy chúng. Nhưng phương án này sẽ tương đương với một chiến dịch tấn công toàn diện, và do đó rất khó xảy ra.
Vì chiến dịch có quy mô càng lớn và phức tạp sẽ càng kéo dài, nên Mỹ với vai trò lãnh đạo của mình sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi triển khai lực lượng can thiệp vào Syria.
Kịch bản 1: Tấn công trừng phạt hạn chế
Phương án tấn công trừng phạt hạn chế nhằm vào các mục tiêu quan trọng của chế độ sẽ là lựa chọn ít rủi ro nhất và huy động ít nguồn lực nhất.
Theo kịch bản, Mỹ và đồng minh sẽ sử dụng tên lửa hành trình tấn công các cơ sở chỉ huy và kiểm soát đầu não của chế độ al Assad, cũng như các mục tiêu có giá trị cao và mang tính biểu tượng khác.
Mục đích của cuộc tấn công trừng phạt là nhằm răn đe và ngăn chặn chế độ al Assad tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến, nhưng không làm sụp đổ chế độ.
Các mục tiêu cụ thể có khả năng là trụ sở của Bộ Quốc phòng, Cục Tình báo Không quân, Cục An ninh Chính trị, Bộ Nội vụ, Sư đoàn Thiết giáp số 4 và Vệ binh Cộng hòa ở Damascus.
Ngoài ra, còn có các trụ sở của 3 Quân đoàn Syria và nhiều cơ sở thông tin liên lạc, chỉ huy, và kiểm soát quan trọng khác nhau trên khắp cả nước. Các đơn vị pháo binh được cho là đã tham gia vào cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học cũng có thể được đưa vào danh sách.
Tổng cộng, Mỹ và đồng minh sẽ phải tấn công gần 100 mục tiêu trong chiến dịch trừng phạt này. Đa số các mục tiêu nói trên đều có thể sử dụng tên lửa hành trình không xuyên phá, nhưng đối với các cơ sở kiên cố hoặc được xây dựng ngầm dưới đất sẽ cần đến vũ khí phá boong-ke hạng nặng.
Với lực lượng hiện có cũng như đang được triển khai thêm, Washington có thể phát động cuộc tấn công trừng phạt bất kỳ lúc nào.
Một lợi thế quan trọng khi áp dụng phương án này là Mỹ không cần phải triển khai các không đoàn chiến thuật của tàu sân bay cũng như lực lượng chiến đấu cơ của không quân để vô hiệu hóa mạng lưới phòng không của Syria.
Mỹ hiện có 4 khu trục hạm lớp Arleigh Burke ở phía đông Địa Trung Hải. Hai trong số này có khả năng trang bị tới 96 tên lửa hành trình Tomahawk, và hai chiếc còn lại có thể trang bị 90 tên lửa Tomahawk.
Như vậy, nếu tăng cường thêm một tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện đang ở gần đó, thì Mỹ sẽ có ít nhất 334 tên lửa Tomahawk sẵn sàng tại chiến trường.
Nếu cần thiết, máy bay ném bom chiến lược và thậm chí cả chiến đấu cơ chiến thuật cũng có thể triển khai loại tên lửa hành trình phóng từ trên không như JASSM, là loại tên lửa ngoài tầm hỏa lực phòng không của Syria.
Đối với các mục tiêu kiên cố, Mỹ có thể triển khai máy bay ném bom B-2 xuất kích từ lục địa Mỹ. Mỗi chiếc B-2 có thể mang 16 quả bom xuyên phá nặng 900 kg hoặc 8 quả bom năng 2.250 kg, cho phép tấn công nhiều mục tiêu trong một phi vụ.
Kịch bản 2: Tấn công hệ thống triển khai vũ khí hóa học
|
Trường hợp quyết định can thiệp sâu hơn, Mỹ và đồng minh có thể áp dụng phương án này. Mục đích không chỉ để ngăn chặn việc chính quyền al Assad tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học, mà còn gây thiệt hại cho quân đội Syria.
Khi áp dụng phương án này, ngoài các mục tiêu như cơ sở chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc, Mỹ và đồng minh còn phải tấn công các mạng lưới mục tiêu và phòng thủ kết hợp khác rộng lớn hơn.
Trong đó, sẽ tập trung vào 3 lực lượng chủ lực của chế độ có khả năng triển khai sử dụng vũ khí hóa học là lực lượng không quân, tên lửa đạn đạo và pháo binh.
Mặc dù một số sân bay của Syria đã bị vô hiệu hóa hoặc chiếm đóng bởi quân nổi dậy, nhưng một số khác vẫn còn có thể hoạt động. Về mặt lý thuyết, máy bay từ ít nhất 13 sân bay có thể tham gia vào một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.
Để vô hiệu hóa khả năng hoạt động của các sân bay, Mỹ có thể tấn công phá hủy các đường băng, máy bay, kho nhiên liệu và đạn dược, và vô hiệu hóa các cơ sở kiểm soát, radar và bảo dưỡng mặt đất.
Một vài sân bay có một số lượng đáng kể nhà chứa máy bay và boong-ke nhiên liệu. Như căn cứ không quân Tiyas có khoảng 30 hầm chứa máy bay, và đa số đều có khả năng chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk.
Cuộc xung đột với quân nổi dậy đã giảm đáng kể lực lượng tên lửa đạn đạo của Syria. Ít nhất một nửa kho tên lửa đạn đạo đã được sử dụng trong các cuộc tấn công vào lãnh thổ bị chiếm giữ bởi quân nổi dậy, và hiện nay chỉ còn lại khoảng vài trăm tên lửa.
Tên lửa đạn đạo của Syria chủ yếu tập trung ở một vài căn cứ trên khắp cả nước, trong đó chủ yếu là thuộc Lữ đoàn 155 và Lữ đoàn 156 đồn trú tại al-Qutayfah. Tại các căn cứ này, quân đội Syria đã xây dựng nhiều hầm ngầm để bảo vệ các dàn phóng di động cũng như các hầm ngầm chứa tên lửa khác.
Các căn cứ tên lửa đạn đạo quan trọng khác bao gồm doanh trại quân đội Hirjillah, và các kho chứa tên lửa chiến thuật đất đối đất Mezze và Dumayr. Khoảng một phần ba đến một nửa kho vũ khí hóa học được cho là đã chuyển giao cho lực lượng tên lửa đạn đạo trước khi xảy ra cuộc nội chiến Syria.
Theo ước tính gần đúng nhất thì lực lượng pháo binh của quân đội Syria còn khoảng từ 1.000 - 2.000 khẩu, bao gồm các loại pháo xe kéo, pháo tự hành và pháo phản lực phóng loạt. Khi diễn ra cuộc xung đột, quân đội Syria đã phân tán lực lượng pháo binh của mình nhằm hỗ trợ các hoạt động dàn trải. Vì thế Mỹ và đồng minh sẽ rất khó khăn để nhắm mục tiêu vào lực lượng này.
Để vô hiệu hóa tất cả 3 lực lượng nói trên, nhằm làm tê liệt khả năng tấn công bằng vũ khí hóa học của chính quyền Syria, Mỹ và đồng minh sẽ phải huy động nguồn lực đáng kể. Nguy cơ trật kịch bản là rất cao, và chiến dịch loại này sẽ làm Mỹ sa lầy sâu hơn vào cuộc xung đột Syria.
Việc loại khỏi vòng chiến số lượng lớn pháo binh và không quân của chính quyền Syria ngay lập tức sẽ làm cán cân sức mạnh nghiêng về phía quân nổi dậy, dẫn đến việc Mỹ sẽ dính líu đến trách nhiệm thời hậu al Assad. Về tác động tâm lý, lực lượng trung thành với chế độ al Assad bị không kích không ngừng trong khi chiến đấu chống lại quân nổi dậy sẽ bị căng thẳng đáng kể.
Trong một chiến dịch mở rộng như vậy, nỗ lực vô hiệu hóa lực lượng pháo binh sẽ đòi hỏi mở rộng các nguồn lực có ý nghĩa chiến thuật như tình báo, giám sát và trinh sát. Ngoài ra, cần phải triển khai lực lượng chiến đấu cơ để xâm nhập và làm tê liệt hệ thống phòng không của Syria. Mạng lưới phòng không của Syria dù đã phải chịu nhiều tổn thất trong cuộc nội chiến nhưng vẫn còn dày đặc và nguy hiểm.
Mỹ cần phải triển khai thêm nhiều tàu chiến trang bị tên lửa Tomahawk cho các chiến dịch ban đầu nhằm vô hiệu hóa năng lực phòng không, cũng như mở đường cho các cuộc tấn công tiếp theo.
Các tàu sân bay của hải quân Mỹ cùng với lực lượng không quân chiến thuật, đặc biệt là máy bay tác chiến điện tử như EA-18G Growler sẽ cần được triển khai. Trên thực tế, chiến tranh điện tử sẽ rất quan trọng trong một chiến dịch như vậy, để gây nhiễu các cuộc tấn công không gian mạng.
Cần ít nhất là một siêu tàu sân bay, và có thể tăng cường thêm tùy thuộc vào số lượng các không đoàn chiến thuật của không quân Mỹ và các nước đồng minh.
Nếu không có các căn cứ ở các nước láng giềng như Síp, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan hoặc Hy Lạp, thì hoạt động của không quân chiến thuật sẽ phức tạp hơn rất nhiều vì bán kính chiến đấu hạn chế của chiến đấu cơ. Việc triển khai các phương tiện tác chiến tìm kiếm và giải cứu cũng đòi hỏi phải có căn cứ tiền phương hoặc tàu sân bay ở gần Syria.
Tổng cộng, cần sử dụng ít nhất là 400 tên lửa Tomahawk trước khi lực lượng chiến đấu cơ tham chiến toàn diện, nhiều hơn gấp đôi số lượng sử dụng tại Libya. Một chiến dịch như vậy sẽ đòi hỏi nhiều loại vũ khí, bao gồm cả tên lửa chống bức xạ, tên lửa hành trình, bom xuyên phá, tên lửa không đối không, bom trọng lực và tên lửa chiến thuật không đối đất.
Kịch bản 3: Tiêu hủy và bảo vệ kho vũ khí hóa học
Đây là phương án đầy tham vọng và mang lại nhiều rủi ro nhất. Mục đích là tiêu hủy và đảm bảo an toàn các kho vũ khí hóa học, nhằm triệt để ngăn chặn chế độ al Assad tiếp tục sử dụng chúng. Và chiến dịch này cũng đồng thời báo hiệu sự sụp đổ của chế độ al Assad.
Lựa chọn phương án này cũng đồng nghĩa với một cuộc xâm lược toàn diện vào Syria. Vì Mỹ và đồng minh cần phải triển khai một lực lượng bộ binh đáng kể để có thể đảm bảo an toàn cho tất cả các kho vũ khí hóa học của Syria. Chính vì thế, lựa chọn này rất khó có khả năng xảy ra.
Cho đến nay, thông tin công khai về chương trình vũ khí hóa học của Syria là rất ít ỏi. Và hiện tại, chính quyền Syria vẫn không thừa nhận sở hữu vũ khí hóa học. Chế độ al Assad bị nghi ngờ sở hữu các loại khí hóa học như VX, Sarin, Tabun và khí mù tạt, và nước này cũng đã tuyên bố là có thể sản xuất vài trăm tấn hóa chất mỗi năm.
Một số địa điểm sản xuất và lưu trữ quan trọng được cho là nằm gần Homs, Hama, phía đông Damascus, Aleppo, Latakia và Palmyra. Và một số khoảng 45 - 50 cơ sở nhỏ hơn có thể nằm rải rác trên khắp cả nước.
Vũ khí hóa học rất khó để tiêu hủy hoàn toàn. Phương pháp phổ biến nhất là đốt ở nhiệt độ rất cao trong một hệ thống kín với khoảng thời gian kéo dài. Các loại vũ khí của quân đội hầu như không có khả năng này, đặc biệt là các loại được thiết kế để phá hủy những cấu trúc kiên cố.
Nhiều khả năng các cuộc không kích chỉ có thể phá hủy được một phần nào đó và phóng thích một số vào khí quyển, trong khi phần còn lại vẫn nằm trong đống đổ nát. Nói cách khác, cuộc tấn công chỉ thành công một phần trong khi có khả năng gây thiệt hại cho nhiều cơ sở vật chất ở gần khu vực dân cư, và chỉ tạm thời ngăn chặn việc tiếp tục sử dụng số lượng dự trữ.
Tương tự như Kịch bản 2, đầu tiên Mỹ và đồng mình cũng cần phải triển khai lực lượng không quân chiến lược và chiến thuật kết hợp với các lực lượng hải quân nhằm triệt tiêu toàn diện năng lực phòng không của Syria. Sự khác biệt chỉ là việc triển khai bộ binh ở giai đoạn sau của chiến dịch.
Sau khi không quân và hải quân vô hiệu hóa năng lực phòng không của Syria cũng như triệt tiêu tất cả các mối đe dọa trong vùng lân cận của sân bay, các lực lượng đặc nhiệm sẽ nhảy dù hoặc được trực thăng vận vào chiếm giữ sân bay. Từ đó, sân bay sẽ được sử dụng như một đầu cầu tạm thời để phát động một số chiến dịch quy mô nhỏ hơn nhằm chiếm lấy các địa điểm cụ thể.
Lợi thế của một chiến dịch như vậy là có thể nhanh chóng triển khai lực lượng tinh nhuệ trên mặt đất với số lượng vừa phải mà không cần tập trung lực lượng cần thiết ở các nước láng giềng, đồng thời đạt được yếu tố bất ngờ về mặt chiến thuật.
Một khi đầu cầu được thiết lập, nó sẽ được sử dụng như một cầu không vận để triển khai lực lượng tiếp viện như Sư đoàn Dù 82. Sự thống trị không phận tuyệt đối cần được duy trì trong suốt chiến dịch.
Ngoài ra, lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ có thể được triển khai để thiết lập các đầu cầu trên bờ biển Syria. Lực lượng đặc nhiệm cũng có thể được khai thác kết hợp với Sư đoàn Dù 82 để chiếm các sân bay quan trọng và mở các mặt trận xa hơn hoặc chiếm đóng các mục tiêu nhạy cảm nằm sâu trong lãnh thổ Syria.
Quân đội Mỹ ước tính sẽ cần ít nhất là 75.000 quân để đảm bảo an ninh cho toàn bộ mạng lưới kho vũ khí hóa học của Syria.
Đây là lựa chọn dễ làm cho lực lượng chiếm đóng bị sa lầy nhất, vì vũ khí hóa học rất khó để giải quyết và cần thời gian đáng kể tiêu hủy.
Dù thế nào đi nữa, Mỹ và đồng minh cũng cần phải duy trì lực lượng bộ binh tại Syria trong khoảng thời gian ít nhất là một vài tháng. Và cũng có thể kéo dài vô hạn định nếu xảy ra trường hợp trật kịch bản.
Ngay cả khi chiến dịch diễn ra tốt đẹp, như trường hợp Iraq, thì thời gian chiếm đóng kéo dài dễ dẫn đến các cuộc chiến tranh du kích hay nổi dậy phát động bởi lực lượng trung thành với chế độ hoặc lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Nguyên Giang - Sơn Duân
>> Tổng thống Syria Assad chạy sang Iran ?
>> Ông Obama vẫn chưa quyết định tấn công Syria
>> Iran, Triều Tiên điều hành 'phòng chiến dịch' ở Syria?
>> Anh trình nghị quyết 'bảo vệ dân thường' Syria lên Liên Hiệp Quốc
>> Hé lộ nguyên nhân ‘vụ tấn công vũ khí hóa học’ ở Syria?
>> Mỹ có thể tấn công Syria vào ngày mai
>> Phương Tây siết chặt vòng vây Syria
Bình luận (0)