Ở châu Á, bóng đá Nhật Bản gần như đã ở trình độ khác so với phần còn lại. Nhật Bản cũng là nền bóng đá có lối đi riêng rõ rệt nhất ở châu lục này. Cũng chỉ có Nhật Bản tự tin hoàn toàn với việc sử dụng xuyên suốt HLV nội trong nhiều năm qua. Các nền bóng đá còn lại ở châu Á thường hướng đến các HLV ngoại để tận dụng chất xám, cũng như mối quan hệ của các HLV này.
Với các nền bóng đá ở Tây Á, họ chủ yếu sử dụng HLV ngoại cho mọi cấp độ đội tuyển. Đây là điều không lạ, bởi ở các quốc gia Ả Rập, họ sử dụng lao động nhập khẩu nói chung trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống, chứ không riêng gì bóng đá.
Còn với các nền bóng đá ở phía đông châu Á, gần với bóng đá Việt Nam và được đánh giá là phát triển hiện đại về mặt quy mô, cách tổ chức, vận hành hơn so với phía tây châu Á, họ thường sử dụng HLV ngoại cho đội tuyển quốc gia và HLV nội cho đội U.23 (hoặc đội tuyển Olympic).
Ví dụ sinh động nhất là bóng đá Hàn Quốc. Đội tuyển quốc gia Hàn Quốc nhiều năm vừa rồi được giao cho các HLV ngoại, người gần nhất ngồi ở vị trí HLV trưởng của đội bóng được mệnh danh "Mãnh hổ châu Á" là HLV Jurgen Klinsmann (người Đức). Trong khi đó, HLV của đội tuyển U.23 Hàn Quốc là ông Hwang Sun-hong, 1 HLV nội.
Sang đến Thái Lan, 3 đời HLV gần nhất của đội tuyển quốc gia xứ sở Chùa Vàng là các ông Akira Nishino (người Nhật Bản), Mano Polking (người Đức gốc Brazil) và Masatada Ishii (Nhật Bản). Còn 2 đời HLV gần nhất của đội U.23 Thái Lan là các ông Worrawoot Srimanka và Issara Sritaro, các HLV nội.
Với bóng đá Trung Quốc, HLV trưởng đội tuyển quốc gia nước này đang là ông Branko Ivankovic (người Croatia), trong khi dẫn dắt đội tuyển U.23 Trung Quốc là HLV nội Cheng Yaodong.
Sở dĩ các đội tuyển lân cận với bóng đá Việt Nam giao đội tuyển quốc gia cho HLV ngoại và giao đội tuyển U.23 (tuyến kế cận đội tuyển quốc gia) cho các HLV nội, vừa là để tận dụng chất xám của HLV ngoại ở cấp độ cao nhất, vừa chuẩn bị sẵn người dự phòng cho chính các HLV ngoại này, trong trường hợp các chuyên gia ngoại gặp sự cố ở đội tuyển quốc gia.
Khi có những sự cố như vậy, các nền bóng đá vừa nêu sẽ luôn có sẵn người thay HLV ngoại, chí ít là thay thế với tư cách HLV tạm quyền, tránh bị "hổng chân". Đây là điều vừa xảy ra với bóng đá Hàn Quốc, ngay sau khi sa thải HLV Klinsmann, họ có ngay HLV nội Hwang Sun-hong được đôn từ đội U.23 lên để trám chỗ.
Việc tách biệt và chuyên biệt 2 đội tuyển ở cấp độ cao nhất của nền bóng đá gồm đội tuyển quốc gia và đội U.23 cũng là để các HLV ở từng đội tuyển chuyên tâm vào công việc, không bị phân tán và không phải mất thời gian quá nhiều so với việc phải kiêm nhiệm. Vả lại, kinh phí thuê thêm HLV nội cùng dàn trợ lý cho HLV nội cũng không đáng kể, vì thông thường HLV nội ở mọi nền bóng đá tại châu Á không đòi hỏi lương quá cao.
Việc giao đội U.23 cho các HLV nội còn là để rèn luyện và bồi dưỡng cho chính các HLV nội ở các nền bóng đá, giúp dàn "nội binh" tiến bộ dần dần.
Xem nhanh 20h ngày 31.3: Vẫn nóng cuộc đua kế nhiệm ông Troussier
Thăm dò ý kiến
HLV nội hay ngoại phù hợp dẫn dắt đội tuyển Việt Nam sau khi ông Troussier ra đi?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)