Các ngân hàng trung ương bất lực xử lý hậu quả Brexit

28/06/2016 20:12 GMT+7

Các ngân hàng trung ương thế giới là liều thuốc toàn năng cho nhiều vấn đề kinh tế toàn cầu những năm gần đây. Song lần này, họ khó có thể có câu trả lời cho sự kiện Brexit và hậu quả từ nó.

Theo CNN, đây là sự thay đổi quan trọng. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, các ngân hàng trung ương đã dẫn đầu nhiều nỗ lực cứu hộ gần như mọi cú sốc tài chính hay kinh tế lớn. Từ hạ lãi suất đến điểm cực thấp, mua trái phiếu đến phát kịp thời thông tin siêu nhạy cảm, các ngân hàng trung ương làm mọi biện pháp có thể. Giới đầu tư toàn cầu từng bám vào từng lời nói của họ.
Với cuộc trưng cầu dân ý về chuyện Brexit, hay nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), thống đốc các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen, từng lên tiếng cảnh báo về rủi ro kinh tế nếu Anh chọn rời EU.
Giờ đây, khi Brexit đã xảy ra, ngân hàng trung ương cũng chỉ đang hỗ trợ cho hệ thống tài chính còn giới lãnh đạo thì giữ im lặng về việc cung cấp giải pháp. Bà Yellen thậm chí không tham dự một buổi thảo luận ở Bồ Đào Nha hôm 27.6.
“Đây cơ bản là vấn đề sâu sắc hơn chuyện mà các ngân hàng trung ương và chính sách tiền tệ có thể xử lý”, giám đốc đầu tư Tony Roth của hãng Wilmington Trust nói. Ông Roth cho rằng Brexit hiện không phải là vấn đề kinh tế mà là vấn đề chính trị. Các lãnh đạo ngân hàng trung ương không nên dùng bất cứ biện pháp quyết liệt nào cho đến khi nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu, hoặc tiền mặt cạn kiệt trên thị trường.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Mark Carney, người từng cảnh báo trước cuộc bỏ phiếu rằng Brexit có thể sẽ khiến Anh suy thoái, cho hay BOE sẽ không ngần ngại tung các biện pháp giúp ổn định thị trường. Tuy nhiên, bình luận này không xoa dịu được giới đầu tư. Bảng Anh và các thị trường thế giới đều giảm mạnh.
Cũng giống như bà Yellen, Thống đốc BOE cũng chọn không lên tiếng tại Bồ Đào Nha hôm 27.6. Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, một người phê bình Brexit, vẫn phát biểu ở Bồ Đào Nha.
Ông Mario Draghi AFP
Nhiều năm qua, giới lãnh đạo ngân hàng trung ương như bà Yellen cho rằng chính các nỗ lực “phi thường” như cách họ tự mô tả là biện pháp giữ nền kinh tế toàn cầu ổn thỏa, đặc biệt là khi các nhà lập pháp ở Quốc hội mắc kẹt giữa bế tắc chính trị. Tuy nhiên, nhiều công thức của ngân hàng trung ương không còn công hiệu trong việc giảm bớt sự thiếu chắc chắn trên thị trường thế giới hậu kết quả Brexit.
“Chúng ta đã quen với việc các ngân hàng trung ương hỗ trợ khi thị trường bị ảnh hưởng bởi những cú sốc trước đó. Lần này, các ngân hàng trung ương có thể bất lực để giải quyết những mối lo ngại là hậu quả của cuộc trưng cầu dân ý”, giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu Jeff Kleintop tại hãng Charles Schwab nói.
Brexit đến vào giữa thế khó của nhiều nhà băng trung ương: Hai thủ thuật yêu thích của họ là giảm lãi suất và mua trái phiếu dường như đang mất tác dụng.
Đơn cử, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khiến nhiều người ngạc nhiên khi áp dụng lãi suất âm hồi đầu năm nay. Lẽ ra, lãi suất âm sẽ làm đồng tiền hạ giá, giúp đất nước tăng xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Song thay vào đó, yen Nhật đi lên, trong khi chỉ số chứng khoán Nikkei 225 lại giảm. Tăng trưởng kinh tế quốc gia Đông Á vẫn còn yếu.
Ở châu Âu, ECB cũng đẩy lãi suất sâu hơn vào vùng dưới 0 và tăng chương trình mua trái phiếu, hay còn gọi là nới lỏng định lượng. Dù thế, kinh tế và các thị trường tài chính châu Âu chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
Giờ đây, khi EU phải đối mặt tương lai không có Anh quốc, một số ý kiến cho rằng nhiều lãnh đạo đã phạm sai lầm từ trước Brexit, khi phụ thuộc quá nhiều vào các nhà băng trung ương trong việc châm ngòi tăng trưởng kinh tế. “ECB không thể tạo ra tốc độ tăng trưởng cao, toàn diện dù họ cố gắng đến bao nhiêu đi chăng nữa”, cố vấn kinh tế Mohamed El-Erian ở hãng Allianz nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.