Các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ ổ dịch cúm gia cầm H5N1 trên toàn cầu

Thiên Lan
Thiên Lan
26/02/2023 00:08 GMT+7

Các chuyên gia cho biết, sự lây lan gần đây của virus sang động vật có vú cần được theo dõi chặt chẽ.

Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang theo dõi chặt chẽ sự lây lan của virus cúm gia cầm khi các ca bệnh tiếp tục gia tăng trên toàn cầu, theo trang tin 7News (Úc). Cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) được gọi là H5N1 đã tiếp tục lan rộng kể từ năm 2021.

Các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ ổ dịch cúm gia cầm H5N1 trên toàn cầu - Ảnh 1.

Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang theo dõi chặt chẽ sự lây lan của virus cúm gia cầm khi các ca bệnh tiếp tục gia tăng trên toàn cầu

Shutterstock

Kể từ đó, nó đã tìm đường đến mọi châu lục, ngoại trừ Úc và Nam Cực. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 16.2 cho biết rủi ro đối với con người vẫn ở mức thấp nhưng nói thêm “nhưng tình hình có thể xoay chuyển”. 

“Trong vài tuần qua đã có nhiều báo cáo về các loài động vật có vú bao gồm chồn, rái cá, cáo và sư tử biển bị nhiễm cúm gia cầm H5N1... H5N1 đã lây lan rộng rãi ở các loài chim và gia cầm hoang dã trong 25 năm nhưng việc lây lan sang động vật có vú gần đây cần phải được theo dõi chặt chẽ”, tổng giám đốc WHO nói. 

Virus corona gây ra Covid-19, cũng đã bắt đầu ở động vật trước khi lây sang người, một số virus ở động vật có thể biến đổi và nhảy sang loài để gây bệnh cho con người và lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới, theo 7News

Nhưng HPAI không phải là Covid-19. Các nhà khoa học đang trấn an công chúng rằng, trừ một vài trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, virus chưa từng lây sang người ở quy mô đủ lớn để gây dịch. Tuy nhiên, nó đã không dừng lại ở các loài chim mà gần đây đã lây lan giữa các thành viên của những loài riêng biệt khiến một số chuyên gia lo ngại về cách thức virus đang biến đổi.

Từ ngày 27.1 đến ngày 2.2.2023, đã có một số đợt bùng phát mới giữa các loài chim từ Khu vực Tây Thái Bình Dương. Về lây nhiễm ở người, đã có tổng cộng 82 trường hợp bao gồm 2 trường hợp tử vong - cả 2 đều là người có bệnh lý nền - được báo cáo cho WHO ở Khu vực Tây Thái Bình Dương kể từ tháng 12.2015. 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, H5N1 lưu hành hiện đã khác về mặt di truyền so với các phiên bản trước đó. Từ cuối năm 2022, các nhà khoa học đã phát hiện loại virus này ở hơn 100 loài chim hoang dã như vịt, hải âu, ngỗng, diều hâu và cú mèo ở Mỹ. Căn bệnh này gây “tỷ lệ tử vong rất cao” ở gà. 

Theo CDC Mỹ, virus có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng, khiến 90 - 100% gà chết trong vòng 48 giờ sau khi nhiễm bệnh. Tính đến 16.2 đã có 6.111 trường hợp ở chim hoang dã ở tất cả 50 tiểu bang của Mỹ, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết.

Các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ ổ dịch cúm gia cầm H5N1 trên toàn cầu - Ảnh 2.

Căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng, khiến 90 - 100% gà chết trong vòng 48 giờ sau khi nhiễm bệnh

Shutterstock

Theo CDC Mỹ, loại virus này đã ảnh hưởng đến hơn 58,3 triệu con gia cầm ở 47 bang. Các chuyên gia cho biết số lượng lớn các trường hợp mắc bệnh như vậy có nghĩa là virus đã có nguy cơ lây lan sang các loài khác cao hơn, theo 7News. 

Về một số trường hợp ở người, CDC Mỹ cho biết có chưa tới 10 trường hợp ở người kể từ tháng 12.2021 và không có trường hợp nào lây truyền từ người sang người. CDC Mỹ cho biết mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng vẫn ở mức thấp, nhưng họ kêu gọi những người dù tiếp xúc với chim dưới bất cứ hình thức nào đều nên đề phòng. 

Tiến sĩ W. Ian Lipkin, Giám đốc Trung tâm Nhiễm trùng và Miễn dịch Mỹ, cho hay: Điều cần làm ngay bây giờ là theo dõi thật chặt chẽ cách thức lây lan của dịch bệnh này. Cần phải cô lập trong các trang trại và động vật hoang dã một cách tốt nhất có thể. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.