Các nữ VĐV có cơ hội được dạy nghề, tạo việc làm khi chia tay thể thao

22/04/2024 16:11 GMT+7

Vừa qua, tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Cục TDTT, Học viện SVF Academy tổ chức chương trình truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ VĐV.

Chương trình truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ VĐV là hoạt động hỗ trợ các nữ VĐV có thêm kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Chính phủ.

Phát biểu tại chương trình, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, hàng năm, tại Việt Nam có rất nhiều vận động viên (VĐV) giã từ sự nghiệp thi đấu, trong đó có những người từng giành thành tích cao tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế.

Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại chương trình

Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại chương trình

BTC

Theo số liệu của Cục TDTT công bố tại chương trình giao lưu trực tuyến “Hỗ trợ đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho VĐV thể thao”, chỉ có 15 - 20% các tuyển thủ quốc gia, các VĐV xuất sắc đã trở thành HLV hay giáo viên thể chất sau khi dừng thi đấu thể thao chuyên nghiệp.

Ước tính có khoảng 60 - 70% số VĐV từng là tuyển thủ cấp tỉnh trở lên, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp thể thao đã bắt đầu làm những công việc không liên quan đến kỹ năng mà họ từng được huấn luyện.

Các nữ VĐV có cơ hội được dạy nghề, tạo việc làm khi chia tay thể thao- Ảnh 2.

Nhiều VĐV có mặt tại chương trình lắng nghe các câu chuyện khởi nghiệp

BTC

Vì vậy, Hội LHPN Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông với mong muốn được đồng hành cùng chị em trong quá trình chuẩn bị cho tương lai, thông qua việc cung cấp ý tưởng, kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp.

Đồng hành cùng chương trình, SVF Academy đã cung cấp cho các nữ VĐV một số kiến thức cơ bản về khởi nghiệp liên quan đến thời trang áo dài nói riêng, và thời trang nói chung. Qua đó giúp những nữ VĐV có cái nhìn tổng quan, tiếp cận những ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch để một ngày không xa biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực và tránh được những rủi ro, vấp ngã khi khởi nghiệp.

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam (đại diện SVF Academy) bằng những kinh nghiệp nhiều năm giảng dạy, đào tạo hàng chục nghìn học viên trong và ngoài nước biết thiết kế áo dài và khởi nghiệp từ thời trang, đã có những chia sẻ quý báu về hành trình khởi nghiệp kinh doanh thời trang. Nhà thiết kế cũng nêu những yếu tố then chốt để có thể trở thành một nhà thiết kế thời trang sống được với nghề giúp các VĐV có cơ hội trở thành nhà thiết kế áo dài sau khi chia tay sự nghiệp thể thao.

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ các kỹ năng để trở thành một NTK thời trang với các VĐV nữ tại chương trình

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ các kỹ năng để trở thành một nhà thiết kế thời trang với các VĐV nữ tại chương trình

BTC

Theo số liệu được công bố hàng năm, Hội LHPN Việt Nam đều tổ chức cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với các chủ đề khác nhau. Qua 5 năm tổ chức, đã có hơn 5.000 dự án, ý tưởng dự thi cấp T.Ư, trong đó 147 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc; tổng trị giá hỗ trợ gần 35 tỉ đồng.

Đặc biệt, trong năm 2023, dự án “Đào tạo cắt may và thiết kế áo dài” được Học viện SVF Academy kết hợp cùng Hội LHPN Việt Nam đã đào tạo cho gần 10.000 hội viên phụ nữ trong và ngoài nước biết cắt may thiết kế áo dài. 

Dự án “Đào tạo cắt may và thiết kế áo dài” đã giúp ích và thúc đẩy kết quả có đến hơn 500 học viên đã ra mắt bộ sưu tập áo dài và trở thành những nhà thiết kế áo dài chuyên nghiệp. Những câu chuyện truyền cảm hứng của học viên SVF Academy tại chương trình truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ VĐV đã lắng đọng kiến thức, giúp các nữ VĐV có cơ hội được dạy nghề, tạo việc làm, tiếp cận nguồn vốn khi chia tay sự nghiệp thể thao.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.