Các nước chạy đua xây dựng 'kho vũ khí' chip

28/03/2021 14:17 GMT+7

Các chính phủ ở Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc , Ấn Độ dự tính chi hàng chục tỉ USD cho các nhà máy sản xuất chất bán dẫn khi tình trạng thiếu chip đang cản trở ngành công nghiệp ô tô và điện tử.

Tuy nhiên, ngoài sự nhất trí về việc cần phải hành động để đa dạng hóa nguồn cung, thì sự phân chia về chiến lược cùng với chi tiêu tự do của các chính phủ có thể sẽ thúc đẩy đà xây dựng quá mức trong một ngành công nghiệp vốn có tính chu kỳ cao.
Bên cạnh tình trạng khan hiếm chip trên toàn cầu, một nguyên nhân khác khiến các chính phủ không ngại chi tiền phát triển nhà máy sản xuất chip tiên tiến là do lo ngại sự phụ thuộc duy nhất của thế giới vào Đài Loan. Đầu tuần này, một chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng việc Trung Quốc muốn tiếp quản Đài Loan là mối quan tâm hàng đầu của quân đội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc trong những năm gần đây cũng đã đưa ra vô số khoản trợ cấp cho ngành công nghiệp chip trong nỗ lực độc lập công nghệ với phương Tây, bao gồm việc thành lập quỹ đầu tư 29 tỉ USD vào năm 2019.
“Chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh mà ở đó mọi quốc gia đều muốn xây dựng hệ thống chip của riêng mình. Chúng ta đang đi từ sự kết nối toàn cầu đến các kho chứa dọc khắp mọi nơi”, Dan Hutcheson, Giám đốc điều hành hãng nghiên cứu thị trường VLSI Research, nói với Reuters.

Căng thẳng và phức tạp

Tại Nhật Bản, Canon, Tokyo Electron và Screen Semiconductor Electron sẽ tham gia một chương trình do chính phủ tài trợ 42 tỉ yen (khoảng 385 triệu USD). Chương tình này sẽ hợp tác với các công ty bán dẫn như TSMC để phát triển chip 2 nanomet tiên tiến. Nhật Bản muốn đảm bảo rằng họ có thể tạo ra chất bán dẫn tiên tiến trong tương lai và đặt mục tiêu xây dựng một dây chuyền thử nghiệm gần Tokyo với sự giúp đỡ của TSMC.
Ngay cả Ấn Độ, vốn ít cơ sở hạ tầng sản xuất chip, cũng hy vọng sẽ xây dựng một trung tâm thiết kế cho các công ty chip toàn cầu và thu hút các nhà máy bằng các chương trình trợ cấp mới dựa trên sức mạnh của mình.
Còn tại Mỹ, nhà lập pháp đang chuẩn bị ủy quyền từ 30 tỉ USD trở lên cho các khoản đầu tư chip thông qua dự luật tài trợ hiện có của Lầu Năm Góc và một loạt biện pháp mới do lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer ủng hộ. Các quan chức địa phương và các công ty công nghệ đang cạnh tranh để có được khoản tiền này.

Intel công bố kế hoạch sản xuất chip 20 tỉ USD để hồi sinh, giành lại thị phần từ châu Á

Intel Corp ngày 23.3 đã góp phần thay đổi đáng kể sân chơi khi tiết lộ kế hoạch mở cửa nhà máy cho khách hàng bên ngoài và xây dựng một nhà máy mới ở châu Âu cùng với hai nhà máy mới ở Mỹ. TSMC của Đài Loan cũng đồng ý xây dựng một quỹ 12 tỉ USD ở bang Arizona, một phần theo lệnh của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, Samsung đang đàm phán về một nhà máy thứ hai ở Austin, bang Texas, Mỹ.
Căng thẳng phức tạp nhất là ở châu Âu, nơi quan chức EU đang xung đột với các chính phủ quốc gia về việc liệu châu Âu có nên nhảy vào cuộc đua tốn kém để phát triển các nhà máy sản xuất chip máy tính tiên tiến hay không, hay nên tập trung gấp đôi vào chiến lược hiện tại của họ vốn chuyên về chip cho những phân khúc thị trường thích hợp.

Canh bạc lớn

Nếu kế hoạch giữa các chính phủ trên thế giới được thông qua, bức tranh ngành công nghiệp bán dẫn có thể trông giống như những năm 1970 và 1980, khi mỗi quốc gia xem chip là yếu tố quan trọng đối với thông tin liên lạc và quốc phòng của họ. Nhưng rủi ro là thế giới sẽ xây dựng quá nhiều năng lực sản xuất chip, khiến giá cả giảm xuống và xóa sổ các vùng lớn của ngành, tương tự như sự cố vào những năm 1980 khiến các nhà máy sản xuất chip từ Úc cho phải đến Nam Phi đóng cửa.
“Từ quan điểm của một người đóng thuế, câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu chúng ta có thực sự muốn bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh khác, nơi mà các nhà máy chế tạo bán dẫn được xem tương đương như vũ khí hạt nhân, nơi mà chúng ta đang lãng phí tất cả các nguồn tài nguyên”, ông Dan Hutcheson nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.