Các nước sản xuất dầu 'đốt' hơn 300 tỉ USD dự trữ

15/04/2016 15:06 GMT+7

Tài sản có được từ đồng đô la dầu thô của các nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới 'bốc hơi' với tốc độ chóng mặt. Điều này gây áp lực lớn trên bàn đàm phán đóng băng sản lượng cuối tuần này.

Tài sản có được từ đồng đô la dầu thô của các nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới 'bốc hơi' với tốc độ chóng mặt. Điều này gây áp lực lớn trên bàn đàm phán đóng băng sản lượng cuối tuần này.

315 tỉ USD trong dự trữ ngoại hối các nước giàu dầu thô đã 'bốc hơi' vì đợt lao dốc giá dầu - Ảnh: Reuters315 tỉ USD trong dự trữ ngoại hối các nước giàu dầu thô đã 'bốc hơi' vì đợt lao dốc giá dầu - Ảnh: Reuters

Theo Bloomberg, 18 nước sẽ tụ họp tại thủ đô Doha (Qatar) vào ngày 17.4 tới đây để thảo luận về thỏa thuận đóng băng sản lượng đã chi tiêu tổng cộng 315 tỉ USD dự trữ ngoại hối từ tháng 11.2014. 315 tỉ USD tương đương khoảng 1/5 lượng dự trữ ngoại hối của các nước nói trên.

Trong ba tháng cuối năm 2015, dự trữ ngoại hối các nước giảm gần 54 tỉ USD, mức giảm hàng quý lớn nhất từ khi cuộc khủng hoảng giá dầu bắt đầu.

Chuyện “đốt cháy” những đồng đô la dầu thô, hay số tiền mà các nước sản xuất dầu lớn kiếm được từ việc sản xuất và xuất khẩu “vàng đen”, không chỉ ảnh hưởng đến nội bộ các quốc gia, mà còn tác động đến những hãng quản lý quỹ quốc tế như Aberdeen Asset Management và thị trường tiền tệ toàn cầu. Các nước sản xuất dầu có truyền thống giữ số tiền dự trữ bằng trái phiếu kho bạc Mỹ và các tài sản lưu động.

Các nước là thành viên và không là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ có mặt tại cuộc họp ở Doha. Nhiều nước đã và đang bơm dầu với mức kỷ lục trong thời gian gần đây.

Trong lá thư mời đại diện các quốc gia đến cuộc họp ở Doha, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed Al Sada cho biết các nhà sản xuất dầu thô cần ổn định thị trường vì “lợi ích của nền kinh tế thế giới khỏe mạnh hơn và tình hình giá rẻ hiện tại chẳng có lợi cho ai”.

Số dự trữ ngoại hối mà Ả Rập Xê Út tiêu tốn là 138 tỉ USD, chiếm đến gần một nửa con số dự trữ ngoại hối sụt giảm của 18 quốc gia. 138 tỉ USD tương đương khoảng 23% tổng dự trữ ngoại hối của quốc gia Trung Đông. Chỉ tính trong ba tháng cuối năm ngoái, Ả Rập Xê Út đã “đốt cháy” 38,1 tỉ USD, mức giảm dự trữ hàng quý lớn nhất kể từ năm 1962. Sau Ả Rập Xê Út, Nga, Algeria, Libya và Nigeria là những nước tiêu hao đáng kể dự trữ ngoại hối của họ.

Cuộc khủng hoảng giá cả hiện nay khởi đầu từ tháng 11.2014, khi OPEC với sự dẫn đầu của Ả Rập Xê Út nhất quyết không giảm sản lượng để giữ thị phần và cạnh tranh với các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Chiến lược của OPEC khiến giá dầu Brent từ mức trung bình là 111 USD/thùng hồi năm 2013, xuống còn 35 USD/thùng trong năm nay. Giá dầu giảm buộc các nước phải sử dụng quỹ dự trữ của họ.

Hôm 12.4, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Ả Rập Xê Út xuống AA-, sau khi Standard & Poor’s và Moody’s Investors Service làm điều tương tự trước đó. Fitch cho hay Riyadh sẽ đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn trong năm 2016, và “một phần lớn nhu cầu tài chính của đất nước sẽ được tài trợ bằng cách bán bớt các tài sản ở nước ngoài”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.