Các quốc gia Đông Nam Á đưa AI vào giáo dục phổ thông ra sao?

Ngọc Long
Ngọc Long
29/09/2023 20:55 GMT+7

Từ năm 2023, nhiều quốc gia đã đẩy mạnh tiếp cận, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông lấy trí tuệ nhân tạo (AI) và kỹ thuật số làm 'kim chỉ nam', giúp người học phát triển đủ kỹ năng cần thiết trong kỷ nguyên mới.

Các quốc gia Đông Nam Á đưa AI vào giáo dục phổ thông ra sao? - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự sự kiện

BTC CUNG CẤP

Trung tâm đào tạo khu vực của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các quốc gia Đông Nam Á tại Việt Nam (SEAMEO RETRAC) hôm 28.9 tổ chức diễn đàn giáo dục có chủ đề "Đổi mới trường lớp vì mục tiêu dạy và học trong kỷ nguyên AI và kỹ thuật số: Những mô hình tiên tiến tại Đông Nam Á" ở TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Tại đây, đại diện các nước cho biết đã và đang xây dựng chính sách, chương trình giáo dục phổ thông gắn với AI, kỹ thuật số, tạo điều kiện để đưa các công cụ này vào trường học như một bộ phận của hệ thống chứ không dừng lại ở hoạt động nhất thời, đơn cử như Philippines.

Xây dựng chính sách về AI, kỹ thuật số

Tiến sĩ Gloria Jumamil-Mercado, đại diện Bộ Giáo dục Philippines, chia sẻ từ năm 2021, Philippines đã công bố lộ trình AI quốc gia nhằm xây dựng nền kinh tế AI có sức cạnh tranh, đưa nước này trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có chiến lược và chính sách về AI. Lộ trình trên bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có giáo dục.

Các quốc gia Đông Nam Á đưa AI vào giáo dục phổ thông ra sao? - Ảnh 2.

Tiến sĩ Gloria Jumamil-Mercado, đại diện Bộ Giáo dục Philippines

BTC CUNG CẤP

Bà Gloria Jumamil-Mercado đồng thời nhấn mạnh, trong tất cả chương trình quốc gia, tầm quan trọng của công nghệ đối với giáo dục luôn được đề cập một cách thống nhất. Đáng chú ý, từ năm học này, Philippines áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới (MATATAG) từ mẫu giáo đến lớp 10, trong đó tích hợp các kỹ năng của thế kỷ 21 như thông tin, công nghệ vào giảng dạy, bà Gloria Jumamil-Mercado cho hay.

"Song, để thúc đẩy việc sử dụng AI và kỹ thuật số trong giáo dục một cách hiệu quả, chúng tôi cũng đối diện với các thách thức lớn như rào cản công nghệ, chênh lệch về hạ tầng số hay sự thiếu hụt kỹ năng. Điều này đang được giải quyết bởi một số đạo luật hiện hành cũng như các dự luật của chính phủ", nữ tiến sĩ khẳng định.

Malaysia hồi tháng 5 cũng phê duyệt chính sách giáo dục kỹ thuật số để phát triển một thế hệ hiểu biết về kỹ thuật số và có năng lực cạnh tranh trên toàn cầu. Nhằm hiện thực hóa tầm nhìn này, bà Rohayati binti Abd Hamed, đại diện Bộ Giáo dục Malaysia, cho biết chính phủ đã đưa ra 4 mục tiêu chính liên quan đến người học, lãnh đạo giáo dục... với 18 chiến lược cần thực hiện thông qua 6 nhóm khác nhau.

Các quốc gia Đông Nam Á đưa AI vào giáo dục phổ thông ra sao? - Ảnh 3.

Chính sách giáo dục kỹ thuật số được Malaysia ban hành với mục tiêu phát triển thế hệ học sinh thích ứng tốt với kỹ thuật số

CHỤP MÀN HÌNH

Chính sách này cũng đồng thời khắc họa "chân dung" thế hệ người học mới, được gọi là "học sinh thông thạo kỹ thuật số". Theo bà Rohayati binti Abd Hamed, đây là những bạn trẻ có thể dùng kiến thức, kỹ năng số để xây dựng giải pháp mới; thu thập, quản lý, phân tích và trình bày dữ liệu sáng tạo; giải các bài toán liên quan đến công nghệ số bằng tư duy máy tính; đủ khả năng giao tiếp, làm việc nhóm trong môi trường kỹ thuật số bằng thái độ chuẩn mực.

Chung động thái, ông Lee Yan Kheng, đại diện Bộ Giáo dục Singapore, cho biết nước này cũng hướng đến phát triển một thế hệ người học sẵn sàng trước những thay đổi của kỹ thuật số trong tương lai bằng cách tăng cường khả năng tự học, đề cao trải nghiệm học tập cá nhân hóa và đảm bảo người học sử dụng công nghệ một cách an toàn, có trách nhiệm.

"Trong chương trình năng lực số quốc gia, mọi học sinh trung học tại Singapore đều được cấp thiết bị học tập cá nhân để học trên môi trường công nghệ cao mọi lúc, mọi nơi. Chúng tôi cũng có nền tảng học trực tuyến quốc gia được ứng dụng AI. Nhà trường thì ngoài mở rộng không gian ngoài lớp học bằng công nghệ, cũng được trao nguồn lực và quyền tự chủ để xây dựng chương trình học tập ứng dụng trải nghiệm thực tế", ông Lee Yan Kheng thông tin.

Các quốc gia Đông Nam Á đưa AI vào giáo dục phổ thông ra sao? - Ảnh 4.

Ông Lee Yan Kheng, đại diện Bộ Giáo dục Singapore

BTC CUNG CẤP

Hướng tới chuyển đổi số giáo dục

Tại Việt Nam, chính phủ đã phê duyệt đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" vào năm 2022. Đề án có 2 mục tiêu chính là thúc đẩy việc dạy và học trong môi trường số trở thành hoạt động thiết yếu, hằng ngày, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý dựa trên công nghệ và dữ liệu, đại diện Bộ GD-ĐT Việt Nam cho biết.

"Cơ sở dữ liệu giáo dục phổ thông của chúng tôi hiện có 7.000 bài giảng trực tuyến, 2.000 bài giảng trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo... Ngoài ra, có gần 24 triệu học sinh và 1,4 triệu giáo viên được số hóa dữ liệu. Còn cơ sở dữ liệu giáo dục ĐH hiện ghi nhận 400 đơn vị với 2,6 triệu hồ sơ sinh viên, hơn 156.000 hồ sơ cán bộ, giảng viên", đại diện Bộ GD-ĐT Việt Nam chia sẻ.

Chuyển đổi số cũng là một trong những vấn đề trọng tâm của nền giáo dục Brunei Darussalam, theo bà Masdiah binti Awang Haji Tuah, đại diện Bộ Giáo dục nước này. Theo đó, Bộ Giáo dục Brunei Darussalam đã công bố kế hoạch chuyển đổi số giáo dục giai đoạn 2023-2027, đồng thời thành lập Trung tâm Công nghệ giáo dục (EdTech) để hỗ trợ quá trình cung cấp giáo dục và học trực tuyến dựa trên công nghệ.

Các quốc gia Đông Nam Á đưa AI vào giáo dục phổ thông ra sao? - Ảnh 5.

Bà Masdiah binti Awang Haji Tuah, đại diện Bộ Giáo dục Brunei Darussalam

BTC CUNG CẤP

"Ngoài các nền tảng học trực tuyến dành cho đa dạng môn học, cấp học, chúng tôi còn xây dựng mô hình lớp học thông minh với những đặc điểm như sở hữu công nghệ, thiết bị tân tiến, tạo cơ hội học tập tương tác, cá nhân hóa trải nghiệm học tập và lấy người học làm trung tâm...", bà Masdiah binti Awang Haji Tuah chia sẻ.

PGS-TS Phonraphee Thummaphan, đại diện Bộ Giáo dục Thái Lan, thì đề cập đến khía cạnh quản lý giáo dục trong kỷ nguyên AI, kỹ thuật số. Cụ thể, chúng ta cần xây dựng chính phủ số và hạ tầng số để cung cấp các dịch vụ giáo dục trực tuyến như cấp phép, đào tạo, thi tuyển... "Bên cạnh đó, cũng cần kết nối cơ sở dữ liệu giữa các tổ chức liên quan để cung cấp dịch vụ tốt hơn và tuyển dụng nhân sự chuyên trách về kỹ thuật số để vận hành hiệu quả", PGS-TS Phonraphee Thummaphan cho hay.

Hai đại diện từ Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia, ông Dy Samsideth và ông Phel Phearoun thì thông tin nước này hiện đang tích hợp công nghệ thông tin vào chương trình giáo dục phổ thông. Cụ thể, học sinh Campuchia từ lớp 4 đến lớp 12 sẽ được học 1-2 giờ mỗi tuần về các chủ đề như hiểu biết về thông tin và truyền thông, công nghệ thông tin cho cuộc sống, tư duy máy tính và lập trình...

Các quốc gia Đông Nam Á đưa AI vào giáo dục phổ thông ra sao? - Ảnh 6.

Ông Dy Samsideth, đại diện Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia

BTC CUNG CẤP

"AI tạo sinh nói chung, ChatGPT nói riêng chỉ tạo ra thông tin chứ không phải kiến thức. Chúng ta phải có nhận thức rõ ràng để đánh giá, chuyển hóa thông tin nhận được thành kiến thức của mình, nếu không muốn bị các công cụ đó đánh lừa. Một lưu ý khác là EdTech sẽ không thay thế giáo viên, nhưng thầy cô nào có kỹ năng EdTech tốt hơn sẽ thay thế người biết ít hoặc không biết gì", chuyên gia Campuchia cảnh báo.

Sáng 28 và 29.9, Trung tâm SEAMEO RETRAC cũng tổ chức phiên họp Hội đồng quản trị lần thứ 26 với sự tham gia của cán bộ cấp cao và chuyên gia đến từ Bộ Giáo dục nhiều quốc gia Đông Nam Á. Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng quản trị đánh giá cao những nỗ lực kịp thời và thành quả đạt được của SEAMEO RETRAC cho giáo dục khu vực trong những năm qua, đồng thời đóng góp ý kiến xây dựng cho sự phát triển của trung tâm trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.