* Chưa “chốt” thời điểm tăng giá
Đó là khẳng định của Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực VN (EVN) Đinh Quang Tri tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện của EVN do Bộ Công thương tổ chức vào hôm qua.
Nhiều chi phí treo tạo áp lực tăng giá điện - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Ông Tri đưa ra cảnh báo năm 2015, nguy cơ thiếu điện ở các tỉnh phía nam cao do một số nhà máy điện mới chưa đi vào hoạt động và EVN đang phải triển khai một số dự án cấp bách như dự án điện Vĩnh Tân 2, các nhà máy điện Duyên Hải 1-3 mở rộng để bù khoảng 3000 MW thiếu hụt. Nếu thiếu điện, phải chạy dầu ở một số nhà máy thì chi phí sẽ tăng rất cao.
Áp lực từ chi phí "treo"
Liên quan đến giá điện, kết quả kiểm tra của Tổ kiểm tra liên ngành về giá thành sản xuất kinh doanh điện do Trưởng phòng Giá và phí (Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công thương) Trần Tuệ Quang công bố cho thấy, năm 2013 tổng sản lượng điện thương phẩm của EVN đạt 115,28 tỉ kWh, doanh thu bán điện đạt trên 172.903 tỉ đồng (tương ứng với giá bán điện thương phẩm 1.499,82 đồng/kWh), tổng lợi nhuận 4.938,44 tỉ đồng (lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần là 441,81 tỉ đồng). Tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2013 của EVN là 169.905,89 tỉ đồng trong khi giá thành sản xuất, kinh doanh điện cùng năm là 1.473,8 đồng/kWh. Trong đó, chi phí khâu phát điện lên tới 130.912 tỉ đồng; tổng chi phí khâu truyền tải là 9.200 tỉ đồng; tổng chi phí khâu phân phối, bán lẻ điện là 29.047 tỉ đồng; tổng chi phí khâu phụ trợ, quản lý ngành là 746,29 tỉ đồng…
|
Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán độc lập của Công ty TNHH Deloitte VN cho thấy tổng chi phí chênh lệch tỷ giá chưa hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện tính đến hết năm 2013 của EVN là 8.811,71 tỉ đồng. Đây là một khoản chi phí lớn vẫn treo cho đến nay và là một sức ép cho việc điều chỉnh giá điện.
Ngoài ra, trước đây cơ quan chức năng phát hiện một số khoản chi phí đầu tư như tiền xây dựng bể bơi, sân tennis… ở một số nhà máy điện là sai quy định. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, khẳng định sau khi kiểm tra giá thành lần này, các khoản đầu tư trên không được đưa vào chi phí giá điện.
Ông Đinh Quang Tri cũng cho biết một số công trình nhà chung cư xây dựng cho công nhân cũng không đưa vào chi phí giá điện vì các chung cư này được xây dựng và cho thuê, có thu tiền để bù đắp.
Vẫn đang tính toán
Từ chối trả lời về các đề xuất tăng giá điện cụ thể trong thời gian tới, nhưng ông Tri thông tin giá điện sẽ không điều chỉnh trước Tết Nguyên đán. Tuy vậy, giá điện có tăng hay không và tăng ở thời điểm nào không được khẳng định ở cuộc họp báo hôm qua.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, chi phí giá điện của năm 2014 thì chưa đủ dữ liệu để tổng hợp, phân tích. Nhưng bước đầu, một số chi phí tăng dẫn đến yêu cầu điều chỉnh giá điện cũng đã được đưa ra. Cụ thể, tổng chi phí phát sinh năm 2014 (chưa quyết toán) khoảng 6.200 tỉ đồng. Trong đó, chi phí do điều chỉnh giá than tăng 2.271 tỉ, giá khí trên bao tiêu tăng 1.414 tỉ đồng, thuế tài nguyên nước phải nộp thêm 1.504 tỉ đồng, chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn 1.019 tỉ đồng… cộng thêm 8.800 tỉ đồng tiền lỗ do chênh lệch tỷ giá thì EVN phải xử lý chi phí phát sinh 15.000 tỉ đồng. “Chúng tôi sẽ căn cứ trên những chi phí hợp pháp để tính toán giá điện. Nếu như có giải pháp phù hợp hơn thì có thể kiềm chế giá điện”, ông Tri nói.
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cho dù xu hướng giá dầu có thể giảm và có thể làm giảm chi phí sản xuất điện nhưng giá dầu chỉ là một nguồn nguyên liệu cho một số nhà máy, không làm giảm cho tổng chi phí khi một số nguồn khác: than, khí… vẫn tăng. Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực vẫn xem xét, thẩm tra các yếu tố đầu vào, tỷ giá... trong chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2014.
Bình luận (0)