(TNO) Tại cuộc họp báo công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2013 diễn ra chiều nay 30.12, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN khẳng định chưa tăng giá điện trước Tết Nguyên đán năm nay.
Họp báo công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2013
|
Không hạch toán tiền xây sân golf, biệt thự vào giá điện
Tại cuộc họp báo này, ông Trần Tuệ Quang, Trưởng phòng Giá và phí, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, theo kết quả kiểm tra của Tổ kiểm tra liên ngành về giá thành sản xuất, kinh doanh điện (gồm đại diện các bộ, ngành: Công thương, Tài chính, Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam…), năm 2013, doanh thu bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt trên 172.903 tỉ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân 1.499,82 đồng/kWh; tổng lợi nhuận đạt 4.938,44 tỉ đồng.
Cũng theo ông Quang, thu nhập từ các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh điện năm 2013 của EVN đạt 1.941 tỉ đồng, trong đó, thu nhập từ hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các Tổng công ty điện lực đạt 1.106,22 tỉ đồng; lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần là 441,81 tỉ đồng…
Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2013 của EVN là 169.905,89 tỉ đồng, trong khi giá thành sản xuất, kinh doanh điện cùng năm là 1.473,8 đồng/kWh. Trong đó, chi phí khâu phát điện lên tới 130.912 tỉ đồng; tổng chi phí khâu truyền tải là 9.200 tỉ đồng; tổng chi phí khâu phân phối, bán lẻ điện là 29.047 tỉ đồng; tổng chi phí khâu phụ trợ, quản lý ngành là 746,29 tỉ đồng…
“Trong năm 2013, tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 115,28 tỉ kWh; tỷ lệ tổn thất hệ thống điện vẫn còn 8,87%, thấp hơn 0,45% so với chỉ tiêu 9,32% do Bộ Công thương quy định theo Đề án giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2012 - 2016”, ông Quang nói.
Một thông tin đáng chú ý khác, theo báo cáo của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam - một công ty kiểm toán độc lập, tổng chi phí chênh lệch tỷ giá chưa hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện tính đến hết năm 2013 của EVN là 8.811,71 tỉ đồng.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, về việc điều chỉnh giá điện, theo quy định hiện nay, nếu đề xuất tăng giá điện từ 7 - 10% thì sau khi Bộ Công thương đồng ý, EVN được quyền tăng và nếu giá điện trên 10%, phải được Thủ tướng phê duyệt.
Trả lời câu hỏi về giá điện vừa qua đã bao gồm cả các chi phí về xây dựng bể bơi, sân tennis… của EVN hay chưa, ông Tuấn khẳng định, khi kiểm tra giá thành, đã kiểm tra hết chi phí của EVN, các công trình trên không được đưa vào giá thành điện.
Về việc vì sao phải tăng giá điện trong bối cảnh giá dầu đang thấp (giá dầu chiếm chi phí lớn phát điện), ông Tuấn cho biết, giá nhiên liệu chỉ được tính giá bình quân, nếu giá điện 2015 thì tính từ mùng 1.8 năm trước đến nay. "Với cơ cấu giá thành hiện nay, giá dầu chỉ ảnh hưởng đến một số nhà máy điện chạy dầu và một số nhà máy điện tính theo chi phí giá dầu (nhà máy điện chạy khí), nên nếu giá dầu giảm thì chi phí sản xuất các nhà máy này giảm", ông Tuấn lý giải, và cho rằng, giá dầu chỉ là một yếu tố trong chi phí sản xuất giá điện chung.
Điện mua từ Trung Quốc ngày càng giảm
Lý giải nguyên nhân mua điện từ Trung Quốc với giá cao trong khi trong nước có dấu hiệu thừa điện, ông Tuấn cho biết, nhiều năm trước, Việt Nam thiếu điện nên phải mua nhiều, nhưng từ năm 2012 đến nay, nguồn điện Việt Nam đã phong phú, lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm đáng kể (năm 2014 chỉ mua 1,8 tỉ kWh, thấp hơn nhiều lần so với các năm trước).
“Giá điện mua từ Trung Quốc hiện nay thấp hơn nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than, chạy khí của Việt Nam và cao hơn một số nhà máy thủy điện. Nếu trước đây không mua điện Trung Quốc, Việt Nam phải cắt điện tương đối lớn”, ông Tuấn giải thích.
Cũng trả lời về việc mua điện từ Trung Quốc tại cuộc họp báo, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, việc mua điện từ các nước là một việc bình thường để tăng công suất dự phòng, trong trường hợp nếu hệ thống điện có sự cố, hoặc tăng trưởng phụ tải quá nhanh, nguồn mới chưa đáp ứng kịp.
“Chúng tôi còn phải tham gia chương trình kết nối lưới điện ASEAN như với Lào, Campuchia, Thái Lan… để tận dụng công suất dư thừa của các nước trong trường hợp cần thiết, để làm tăng lượng điện dự phòng cho hệ thống”, ông Tri nói.
Đáng chú ý, ông Tri cho hay trước Tết Nguyên đán năm nay chưa tăng giá điện.
Bình luận (0)