Ngày 19.6, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, đã có thư gửi toàn thể sinh viên nhà trường cảnh báo về tổ chức kinh doanh đa cấp biến tướng "team khởi nghiệp 360" mà Báo Thanh Niên có loạt bài điều tra gần đây.
Sinh viên tự đặt trong tình trạng biệt tích
Theo PGS.TS Điện, gần đây có những phần tử xấu tự xưng là đại diện của một tổ chức kinh doanh đa cấp tiếp cận sinh viên, học sinh của các trường ĐH, trung học để thuyết phục, vận động các em tham gia mạng lưới bán hàng. Nhiều em bị dụ dỗ đã về nhà lấy tiền của cha mẹ giao cho những phần tử này dưới danh nghĩa góp vốn, đồng thời lôi kéo bạn bè, người quen tham gia vào mạng lưới để được chia tiền hoa hồng phát triển hệ thống theo lời hứa.
Rất nhiều em không những bị mất tiền, còn bị khủng bố tinh thần mỗi khi chậm trễ trong việc thực hiện các yêu cầu của tổ chức kinh doanh này. Không ít sinh viên, học sinh do quẫn trí đã cắt đứt liên lạc với gia đình và nhà trường, tự đặt trong tình trạng biệt tích không lý do, gây lo lắng, hoảng sợ cho người thân và tạo không khí bất an trong cộng đồng. Hiện tổ chức kinh doanh đa cấp này đã bị đóng cửa. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc. Những phần tử có hành vi phạm pháp sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.
|
"Qua câu chuyện này, thầy mong các em luôn cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo của bọn xấu. Phải luôn tâm nguyện rằng chỉ những gì được làm ra từ sự nỗ lực bằng lao động chân chính mới có thể thuộc về mình một cách bền vững. Các em yên tâm học tập chăm chỉ, sinh hoạt lành mạnh, giao tiếp bình thường và nhất là luôn kiên định với mục tiêu nghề nghiệp đặt ra cho mình sau khi tốt nghiệp. Chắc chắn các em sẽ thành công", PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện nhắn nhủ.
Lập "Góc cảnh giác sinh viên"
Những trường ĐH tại khu vực làng đại học thời gian qua có khá nhiều sinh viên tham gia mạng lưới đa cấp "team khởi nghiệp 360". Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết trong thời gian vừa qua, trường đã tìm cách để can thiệp, đưa 4 sinh viên vướng vào đường dây đa cấp biến tướng quay trở lại việc học. Các sinh viên này báo với gia đình đi du học để gia đình gửi tiền, sau đó cắt đứt liên lạc. Sau khi gia đình báo với nhà trường, lãnh đạo trường đã tìm cách liên lạc và thuyết phục các sinh viên này ra khỏi mạng lưới. Trường cũng gửi thông tin sang công an để phối hợp làm rõ.
Theo thạc sĩ Cường, trên trang chủ của Phòng Công tác sinh viên nhà trường còn lập riêng một mục là "Sinh viên cần cảnh giác". Ở đây có nội dung cảnh báo sinh viên không tham gia vào tổ chức kinh doanh đa cấp "team khởi nghiệp 360" đang lôi kéo nhiều sinh viên thời gian qua.
|
Năm 2019, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có trường hợp một sinh viên xin bố mẹ 400 triệu đồng nói là để đóng tiền làm hồ sơ xin học bổng du học. Sau khi bố mẹ chuyển tiền, sinh viên này nghỉ học và chuyển sang bán hàng đa cấp. Sau đó, gia đình chỉ có thể liên lạc qua điện thoại chứ không biết chỗ ở hiện tại của con vì không thể lấy được địa chỉ. Sau khi xảy ra vụ việc, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã gửi email tới sinh viên trong trường, cảnh báo các em cảnh giác, tránh bị lôi kéo vào bán hàng đa cấp biến tướng.
Theo tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, năm nay trường chưa ghi nhận vụ việc tương tự liên quan đến tổ chức kinh doanh đa cấp biến tướng như trên. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, lãnh đạo trường liên tục có cảnh báo cho sinh viên trên các phương tiện thông tin của trường. Trường cũng nhắn nhủ sinh viên nếu có khó khăn về tài chính, có thể liên hệ để được hỗ trợ, tránh sa vào những mạng lưới đa cấp biến tướng...
Bình luận (0)