Tính đến 25.11, đã có 11 trường luật quyết định rút khỏi bảng xếp hạng do U.S. News & World Report Rankings (gọi tắt là U.S. News) công bố hằng năm và không tiếp tục cung cấp dữ liệu cho đơn vị này.
Trong số các đơn vị rút khỏi, có đến 9 cơ sở thuộc nhóm 14 trường luôn duy trì thứ hạng đầu hơn 30 năm qua: Trường Luật của ĐH Yale (hạng 1), ĐH Stanford (hạng 2), ĐH Harvard, ĐH Columbia (đồng hạng 4), ĐH California, Berkeley (hạng 9), ĐH Michigan (hạng 10), ĐH Duke (hạng 11), ĐH Northwestern (hạng 13) và ĐH Georgetown (hạng 14).
Trường Luật, ĐH Yale là trường luật tốt nhất trong bảng xếp hạng ĐH toàn cầu của U.S. News |
AFP |
Các trường rút khỏi bảng xếp hạng đưa ra nhiều lý do như bảng xếp dựa vào phương pháp khảo sát lạc hậu, công thức xếp hạng thiếu minh bạch, quá tập trung vào điểm thi đầu vào và cơ hội việc làm ngoài khu vực công, gây ảnh hưởng đến việc cân nhắc chọn trường của sinh viên, theo tờ The New York Times.
Phần lớn các trường rút khỏi bảng xếp hạng thế giới đều nằm trong vị trí đầu và sẽ không có nhiều trường tốp dưới làm theo. Lý giải điều này, tiến sĩ Angela Onwuachi-Willig, Hiệu trưởng ĐH Boston (hạng 17), nhìn nhận các ứng viên, nhà tuyển dụng lẫn các trường xếp hạng thấp hơn đều nhận được lợi ích từ việc “tiếp thị miễn phí” trên bảng xếp hạng quốc tế.
Các trường luật hàng đầu theo bảng xếp hạng ĐH của U.S. News |
chụp màn hình |
Còn tiến sĩ Ken Randall, Hiệu trưởng Trường Luật, ĐH George Mason (hạng 30), thì cho rằng bảng xếp hạng vẫn là nguồn tham khảo cho sinh viên vì “những bạn không vào được trường tốp 10 vẫn có thể cân nhắc khoảng 200 trường luật khác".
Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Russell Osgood, Hiệu trưởng Trường Luật, ĐH Washington (hạng 16), lưu ý nhiều sinh viên chỉ biết tìm đến bảng xếp hạng để tham khảo vì thiếu thông tin và những website của nhiều trường thì quá phức tạp, gây khó hiểu.
“Không bất ngờ với giới chuyên môn”
Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc các trường luật danh tiếng của Mỹ lần lượt tuyên bố rút khỏi bảng xếp hạng U.S. News dù có thể gây sốc cho công chúng nhưng không bất ngờ với giới chuyên môn.
“Từ lâu, nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục ĐH đã cho rằng việc sử dụng các bảng xếp hạng ĐH luôn là con dao hai lưỡi”, bà Phương Anh lưu ý.
Ở mặt tích cực, việc tồn tại những bảng xếp hạng tạo điều kiện để các trường ĐH minh bạch, cung cấp những thông tin cần thiết đến người tiêu dùng giáo dục dưới dạng vắn tắt nhất để họ có thể tham khảo và lựa chọn trường, ngành học phù hợp.
Trường Luật Irvine, ĐH California là đơn vị mới nhất tuyên bố tẩy chay bảng xếp hạng của U.S. News vào ngày 23.11 |
RedPointe Roofing |
Nhưng mặt trái của bảng xếp hạng là đơn giản hóa đặc điểm của các trường vào một trong một nhóm tiêu chí đo đạc do những người xây dựng bảng xếp hạng thiết kế, “đôi khi khá chủ quan”. Rồi từ đó, đơn vị xếp hạng đưa ra những kết quả cao thấp khác nhau, như thể đây là những tiêu chí duy nhất mà các trường cần phải phấn đấu để trở thành một trường đại học tốt, theo tiến sĩ Phương Anh.
“Điều này nếu không cẩn thận sẽ tạo ra những tác động không mong muốn, như việc cung cấp số liệu không chính xác để có hạng cao, hoặc chỉ chăm chăm vào các yếu tố có trong bảng xếp hạng mà bỏ quên những yếu tố khác không kém phần quan trọng, hoặc thậm chí quan trọng hơn đối với sứ mạng của một trường”, bà Phương Anh cảnh báo.
Cơ hội để thay đổi
Tiến sĩ Phương Anh thông tin: “Các trường luật danh tiếng nhất nước Mỹ tẩy chay U.S. News vì cho rằng các tiêu chí xếp hạng của đơn vị này đã bỏ qua yếu tố đa dạng về người học, vốn là một trong những sứ mạng cần thiết. Cụ thể, trong bảng xếp hạng của U.S. News có hai tiêu chí rất quan trọng là điểm thi đầu vào dựa trên các kỳ thi chuẩn hóa, và mức thu nhập sau khi tốt nghiệp của sinh viên tốt nghiệp.
Tuy nhiên, cả hai tiêu chí này đều không xem xét đến 2 điều: (1) có những ứng viên tiềm năng thật sự có năng lực nhưng không đạt điểm cao trong các kỳ thi chuẩn hóa do không có điều kiện tham gia lò luyện thi; (2) đa số các sinh viên được tuyển chọn theo tiêu chuẩn ‘đa dạng’ này khi ra trường thường chọn bảo vệ và hỗ trợ luật pháp cho người nghèo, vì thế mức lương sẽ không cao như những luật sư chỉ làm việc với các thân chủ giàu có, địa vị cao trong xã hội”.
Trường Luật, ĐH Harvard xếp hạng 4 trong các trường luật tốt nhất toàn cầu theo U.S. News |
Harvard Law School |
Do đó, bà Phương Anh cho rằng sự thay đổi các tiêu chí trong những bảng xếp hạng là điều cần có và trên thực tế vẫn thường xuyên diễn ra. Những thay đổi này phản ánh sự nhạy cảm của các bảng xếp hạng đối với sự thay đổi của “người tiêu dùng giáo dục” đối với các trường. "Chẳng hạn, sau vụ tẩy chay, rất có thể các bảng xếp hạng sẽ lưu ý đến yếu tố 'đa dạng người học' để đưa nó thành một tiêu chí đánh giá", tiến sĩ Phương Anh nêu quan điểm.
“Suy cho cùng, vụ việc này là một điều tốt, vì nó làm cho công chúng quan tâm và hiểu rõ hơn giá trị, sứ mạng xã hội mà các trường ĐH phải thực hiện, chứ không chỉ đơn giản là học cái gì để vào được ‘trường tốt’, mà ‘trường tốt’ thì lại được hiểu đơn giản là có được lương cao khi ra trường”, chuyên gia giáo dục kết luận.
Việt Nam có 5 trường được xếp hạng
Đó là ĐH Tôn Đức Thắng (hạng 223), ĐH Duy Tân (hạng 317), ĐHQG Hà Nội (hạng 970), ĐHQG TP.HCM (hạng 1.116), ĐH Bách khoa Hà Nội (hạng 1.570), theo kết quả bảng xếp hạng ĐH tốt nhất toàn cầu công bố ngày 3.11 bởi U.S. News.
Riêng châu Á có 943 trường được tham gia xếp hạng. Đứng đầu khu vực lần lượt là những cơ sở của Trung Quốc và Singapore như ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc, hạng 1), ĐH Quốc gia Singapore (hạng 2), ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore, hạng 3), ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc, hạng 4),...
Bình luận (0)