Đa dạng hình thức dạy học trực tuyến
Chia sẻ về vấn đề dạy trực tuyến cho học sinh bậc tiểu học, cô Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú), cho biết đã lên kế hoạch cụ thể và bài bản để dạy chương trình mới cho các em theo chỉ đạo của Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM. Trong đó, giáo viên sẽ được chủ động chọn hình thức dạy học phù hợp.
Về chương trình dạy, ngoài những môn theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, trường sẽ dạy thêm môn tin học cho tất cả các khối. Cụ thể, với khối lớp 1, 2, 3 học sinh sẽ học các môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, tin học. Còn khối 4,5 sẽ học các môn tiếng Việt, toán, ngoại ngữ, khoa học, lịch sử và địa lý, tin học.
Theo cô Phượng, trường cũng đã giao các tổ khối chuyên môn xây dựng nội dung, ban giám hiệu sẽ duyệt trước khi thực hiện.
Về hình thức thực hiện, giáo viên sẽ làm video bài giảng kết hợp sử dụng các ứng dụng phần mềm dạy học trực tuyến qua classroom, trao đổi qua viber, zalo… Trong đó, theo cô Phượng, các bài giảng chủ yếu sẽ được làm thành video để học sinh tiện theo dõi, trong trường hợp học sinh muốn trao đổi hoặc giáo viên hướng dẫn làm bài tập thì có thể sử dụng các phần mềm để có thể tương tác trực tiếp.
“Các phần mềm dạy trực tuyến thường giới hạn số người tham gia, hơn nữa sẽ bị ồn trong quá trình học, do vậy giáo viên chủ yếu dùng phần này để giải đáp các thắc mắc cho từng nhóm học sinh, còn phần lớn sẽ áp dụng việc quay bài giảng rồi đưa lên website của trường để các em vào học”, cô Phượng chia sẻ.
Trước đó trường cũng thường xuyên làm bài giảng, ôn tập cho học sinh trong những tuần nghỉ học nên giáo viên ít nhiều đã có kinh nghiệm dạy học trực tuyến. Giáo viên đồng thời sẽ hướng dẫn phụ huynh đăng nhập vào website của trường để hướng dẫn con học theo chương trình mới cũng như theo dõi, quản lý việc học của các em trong thời gian trực tuyến.
Tương tự, cô Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, (Q.Gò Vấp) cũng cho biết đã giao các tổ khối xây dựng nội dung chương trình. Sau khi giáo viên làm xong kế hoạch dạy cho từng khối sẽ nộp lại, ban giám hiệu sẽ cùng ngồi lại để kiểm duyệt chương trình, sao cho phù hợp nhất rồi mới triển khai.
|
“Sau khi thống nhất nội dung, giáo viên của các khối sẽ cùng nhau quay lại bài giảng rồi tải lên cổng thông tin điện tử của trường sau đó thông báo cho phụ huynh hướng dẫn con tham gia học bài”, cô Kim Phượng nói.
Trong đợt này, trường sẽ triển khai dạy các môn như toán, tiếng Việt, Anh văn, khoa học, lịch sử và địa lý… Tuy nhiên, cô Phượng cũng chia sẻ, hiện không có nhiều giáo viên có kinh nghiệm dạy trực tuyến. Do vậy, giáo viên sẽ vừa dạy vừa tìm hiểu, điều chỉnh thêm.
Trước đó, trong những tuần học sinh nghỉ học để phòng tránh Covid-19 trường đã cũng giao bài tập thường xuyên cho các em ôn bài.
Mong có hướng dẫn cụ thể
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bế Văn Đàn (Q.Bình Thạnh), cho rằng để có thể triển khai đồng đều ở tất cả các trường, đảm chất lượng học cho tất cả học sinh thì cần phải có hướng dẫn cụ thể từ Phòng giáo dục các quận.
“Việc ôn tập kiến thức cũ thì các trường có thể chủ động, còn kiến thức chương trình sau tết thì dạy như thế nào? Trong công văn của Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM đã có hướng dẫn chung, nhưng dạy những phần nào, giảm tải nội dung nào theo tôi vẫn phải cần có hướng dẫn cụ thể”, cô Trang chia sẻ.
Ngoài ra, học sinh bậc tiểu học các em còn nhỏ, do vậy, để học trực tuyến mình cũng phải tìm phương án phù hợp mới có hiệu quả. Vì các em chưa có ý thức học bài như học sinh THCS, THPT. “Với học sinh lớp 1, lớp 2 dạy trực tuyến mình phải dạy như thế nào? Tâm lý các em ở lứa tuổi này là mình phải dạy học trực quan, cụ thể, thầy cô giáo hướng dẫn trực tiếp nhiều khi các em còn không tập trung được. Do vậy, nếu chưa có hướng dẫn cụ thể mà mỗi trường dạy một cách thì rất khó”, cô Trang trăn trở.
Cô Trang cho biết, trước đây, trong thời gian học sinh nghỉ học giáo viên của trường đã triển khai ôn tập kiến thức cũ cho học sinh để các em không bị quên kiến thức khi nghỉ học trong thời gian dài.
Cụ thể, trường đã sử dụng cổng thông tin điện tử của mình để kết nối với phụ huynh học sinh, sau đó giao bài tập củng cố kiến thức. Giáo viên cũng phải linh hoạt trong việc chọn nội dung học cho học sinh của mình. Đối với những bài học sinh đã quên thì giáo viên có thể hướng dẫn thêm.
Trong chương trình ôn tập, với học sinh lớp 1, giáo viên sẽ giao những bài tập đọc, viết. Còn những khối khác, giáo viên của trường cho học sinh ôn lại môn tiếng Việt, chính tả, toán… Tuy nhiên trường cũng chủ trương giao những bài tập đơn giản, nhẹ nhàng, chủ yếu để học sinh không quên những kiến thức đã học.
Theo cô Trang, đối với học sinh tiểu học, để việc học trực tuyến có hiệu quả thì phải có sự phối hợp với phụ huynh. Họ sẽ là người quản lý, tương tác với giáo viên trong quá trình con học qua Internet.
Nội dung dạy học từ ngày 16.3 - 5.4
Trước đó, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM đã có chỉ đạo triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học trong thời gian tạm nghỉ vì dịch Covid-19.
Theo đó, sở yêu cầu hiệu trưởng các trường tiểu học chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử của nhà trường. Nội dung dạy học từ ngày 16.3 - 5.4 gồm kiến thức của tuần 21 đến hết tuần 23 theo phân phối chương trình năm học. Việc dạy học trực tuyến theo kế hoạch dạy học có nội dung tinh giản, theo chủ đề chủ điểm, không lệ thuộc vào từng bài theo phân phối chương trình.
|
Bình luận (0)