Mặc dù chỉ mới phát triển rộng khắp từ năm 2000, thế nhưng các tuyển thủ thi đấu game chuyên nghiệp thể thao điện tử có thể kiếm số tiền lên tới hàng chục tỉ mỗi tháng. Vậy số tiền này đến từ đâu? Hãy cùng Thanh Niên Game tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng tới mức lương của các tuyển thủ chuyên nghiệp thời đại công nghệ cao.
Tài Trợ
Tương tự như bất kì bộ môn thể thao khác, thể thao điện tử cũng cần phải có nhà tài trợ hậu thuẫn tài chính để các tuyển thủ có thể chuyên tâm vào việc tập luyện cũng như thi đấu. Thông thường, những tên tuổi lớn của lĩnh vực liên quan tới trò chơi điện tử (chuột, tai nghe, ghế ngồi, ...) sẽ là tài trợ cho các đội tuyển như SteelSeries, Razer, ROCCAT, ... Tuy nhiên, các nhà tài trợ sẽ tùy vào thành tích của mỗi đội hoặc mỗi thành viên để trả lương hoặc có mức hỗ trợ tương ứng.
Travis Hezel - Giám đốc tài trợ toàn cầu của SteelSeries
Theo như chia sẻ từ Travis Hezel, giám đốc tài trợ toàn cầu của SteelSeries, chia sẻ: “Tùy vào thành tích của mỗi thành viên mà chúng tôi sẽ có chế độ lương khác nhau, nhưng tất nhiên cũng phải chắc chắn rằng họ hài lòng khi sử dụng thiết bị của chúng trong lúc thi đấu. Đầu tiên các thành viên có nhã ý mời hợp tác, sau đó chúng tôi sẽ làm việc với quản lý thỏa thuận một số điều khoản và tài trợ cho cả đội.”
Đội tuyển Fate được nhãn hàng Bánh Mì Minh Nhật tài trợ
Tại Việt Nam, các đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại cũng được nhận tài trợ của các hãng linh kiện trong nước, nhà cung cấp thiết bị điện tử... Hiện tại Saigon Jokers đang được SteelSeries tài trợ, Boba Marines được Gigabyte tài trợ và đổi tên thành Gigabyte Marines, Hanoi Fate được Bánh Mì Minh Nhật tài trợ và đổi tên thành BanhMiMinhNhat Fate, ...
Đội tuyển Saigon Jokers đang được Steelseries tài trợ (Ảnh: Fanpage SAJ)
Số tiền lương mà mỗi đội hay mỗi tuyển thủ cũng khác nhau tùy theo nhiều yếu tố khách quan. Theo như thông tin một cựu game thủ chia sẻ; các thành viên Saigon Jokers có mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng trở lên. Tuy nhiên, một số tuyển thủ có thành tích tốt hơn sẽ có lương khoảng 15 triệu đồng/tháng. Còn đội tuyển Gigabyte Marines, các thành viên đang nhận tiền tài trợ khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Lương cơ bản
Đối với giải LCS (League of Legends Championship Series), Riot Games sẽ cung cấp một khoảng tiền nhằm giúp đỡ các đội có chi phí vận hành. Theo như sách hướng dẫn năm 2014 của Riot Games, các tuyển thủ sẽ được trả ít nhất khoảng 280 triệu đồng (12.500 USD) trong suốt quá trình thi đấu 28 trận của một mùa giải. Tuy nhiên sẽ có khá nhiều thành viên nhận được tiền lương cao hơn.
5 thành viên của đội tuyển Ember tại khu vực Bắc Mỹ
Đối với đội tuyển nước ngoài, theo thông báo của Jonathan Pan - Giám đốc điều hành của đội tuyển Ember tại Bắc Mỹ, các thành viên trong đội có mức lương cụ thể như sau:
- Nicolar “Gleeb” Haddad - Tổng tiền lương khoảng 1,61 tỉ đồng (72.500 USD).
- Juan “Contractz” Garcia - Tổng tiền lương khoảng 1,56 tỉ đồng (70.000 USD).
- Greyson “Goldenglue” Gilmer - Tổng tiền lương khoảng 2 tỉ đồng (92.000 USD).
- Colin “Solo” Earnest - Tổng tiền lương khoảng 1,9 tỉ đồng (86.000 USD).
- Benjamin “Benjamin” DeMunck - Tổng tiền lương khoảng 1,67 tỉ đồng (75.000 USD).
Còn tại Việt Nam, theo thông tin Thanh Niên Game được biết mỗi thành viên của đội tuyển tham gia Vietnam Championship Series sẽ nhận được 2 triệu đồng mỗi tháng trong suốt thời gian giải đấu diễn ra (khoảng 3 tháng).
Tiền thưởng
5 thành viên của đội Wings Gaming khi đăng quang tại The International 2016
Sau khi kết thúc giải đấu, các đội tuyển sẽ được nhận tiền thưởng dựa theo thứ hạng của mình. Thông thường, đội tuyển 5 thành viên sẽ có nhận được khoảng 44 triệu (2.000 USD) đến 223 triệu đồng (10.000 USD) chỉ trong vòng playoff. Tuy nhiên, đội tuyển Wings Gaming của Trung Quốc nhận được khoảng 203 tỉ đồng (hơn 9 triệu USD) khi giành chức vô địch giải The International 2016 của bộ môn Dota 2. Sau đây là danh sách của các thành viên đội Wings Gaming và số tiền nhận được:
- Zhou "bLink" Yang - 40 tỉ đồng (1,8 triệu USD).
- Zhang "Faith_bian" Ruida - 40 tỉ đồng (1,8 triệu USD).
- Li "iceice" Peng - 40 tỉ đồng (1,8 triệu USD).
- Zhang "Innocence" Yiping - 40 tỉ đồng (1,8 triệu USD).
- Chu "Shadow" Zeyu - 40 tỉ đồng (1,8 triệu USD).
Cảnh SAJ đăng quang tại Mountain Dew Championship Series Mùa Hè 2016
Theo như nguồn tin tin cậy của Thanh Niên Game, số tiền nhận được từ thể thao điện tử tại Việt Nam sẽ được xem là thu nhập bất thường và đánh thuế khoảng từ 10 - 15%. Ví dụ, Saigon Jokers vừa đạt chức vô địch giải Mountain Dew Championship Series Mùa Hè 2016 và đem về 200 triệu đồng, số tiền cần đóng thuế sẽ rơi vào khoảng 20 - 30 triệu đồng. Với số tiền còn lại, các thành viên, quản lý và chủ đội có thể chia cho nhau tùy ý sử dụng.
Phát sóng trực tiếp (Livestream)
[mecloud]aTjLcyC3TG[/mecloud]
Imaqtpie đang là một trong những streamer nổi tiếng trên Twitch
Việc tham gia những trận đấu trên mạng để rèn luyện kĩ thuật cá nhân là điều mà mọi tuyển thủ chuyên nghiệp cần phải làm. Sẵn tiện đó, một số tuyển thủ vừa chơi vừa phát sóng trực tiếp (livestream) cho người hâm mộ theo dõi để kiếm thêm thu nhập. Mỗi lần người hâm một nhấn nút góp tiền (subscribe) sẽ tốn khoảng 110 ngàn đồng (4.99 USD), và một nửa số tiền này sẽ được cho vào túi của người phát sóng. Imaqtpie, cựu thành viên của đội Team Dignitas tại Bắc Mỹ, đã chia sẻ rằng mình đã từng nhận được khoảng 178 triệu đồng (8.000 USD) mỗi tháng.
QTV nhận khoảng 17 triệu đồng mỗi tháng khi phát sóng trên Talktv
Tại Việt Nam, các tuyển thủ chuyên nghiệp cũng có thể phát sóng trực tiếp và kiếm tiền từ nó. Theo như nguồn thông tin tin cậy của Thanh Niên Game, QTV - tuyển thủ đường trên của Gigabyte Marines nhận được số tiền lên tới khoảng 17 triệu đồng mỗi tháng khi phát sóng trên kênh Talktv.
Tạm Kết
Tất nhiên so với thu nhập của các tuyển thủ trên thế giới, các tuyển thủ Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp Việt Nam có phần thua thiệt khá nhiều. Thế nhưng nếu cộng tổng số tiền từ 4 yếu tố kể trên, thu nhập của các tuyển thủ chẳng hề thua kém với bất kì ngành nghề nào tại Việt Nam, và đôi lúc còn nổi trội hơn.
Bình luận (0)