*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, hiện đang làm việc trong lĩnh vực sáng tác văn học tại TP.HCM.
Người làm nên lịch sử hay kẻ tội đồ ?
[mecloud]fln07UpL7R[/mecloud]
Thông điệp của nhà sản xuất: Hãy đứng dậy và đi!
Pokemon Go là một trong những từ khóa có độ phủ sóng thuộc hàng nhất nhì trong vài tháng gần đây, trò chơi thực tế ảo tăng cường của Niantic gây “bão” tại hầu hết các quốc gia mà nó có mặt, trong số này bao gồm cả Việt Nam (Pokemon Go chính thức phát hành vào ngày 6.8).
Làm kinh ngạc các chuyên gia ngành game, cũng như thành công rực rỡ về mặt hiệu ứng và doanh thu, Pokemon Go được xem là cột mốc lịch sử của dòng game mobile, thay đổi hoàn toàn thói quen chơi game từ trước tới nay – vốn bị đánh giá là thụ động, “tự kỷ”.
Pokemon Go tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới
Trò chơi đã cho thấy những tác động rất lớn đối với cuộc sống, nhịp sinh hoạt và thói quen của những người trẻ Việt. Các bạn trẻ đổ ra đường nhiều hơn, dạo quanh những công viên mà rất có thể cả đời chưa bao giờ đặt chân đến, tụ tập thành những nhóm lớn và có xu hướng cởi mở, thân thiện, mạnh dạn giao tiếp với những người bận lần đầu gặp mặt, cùng dấn thân trên hành trình thu thập Pokemon.
Sau vài ngày sôi sục, các đơn vị truyền thông bắt đầu vào cuộc, theo dõi những chuyển động của giới đam mê Pokemon Go. Hình ảnh những đám đông tụ tập ở công viên, những bạn trẻ đi lòng vòng với chiếc điện thoại trên tay… bắt đầu xuất hiện dày đặt trên báo đài.
Và, đó cũng là lúc những cuộc chỉ trích nảy lửa xuất hiện.
Các bạn trẻ chơi Pokemon Go tại công viên 23.9
Vô bổ, nguy hại, tốn thời gian, hãy làm những gì có ích lợi cho xã hội, điên khùng… là từ ngữ mà nhiều người gán ghép cho những ai đam mê Pokemon Go. Từ một trò chơi giải trí thành công rực rỡ ở thị trường quốc tế, Pokemon Go nhanh chóng bị định vị như một thứ gây hại, một loại dịch bệnh tại Việt Nam.
Cũng cần phải nói thêm, “chúng tôi” – những người đam mê và chờ đợi Pokemon Go gần hai năm này – đều không bất ngờ trước hàng loạt phản ứng này.
Từ thuở sơ khai của ngành công nghiệp game, cho đến tận thời điểm hiện tại, trò chơi điện tử đã và đang đối mặt với nhiều sự chỉ trích, lên án. Trong đó, việc người chơi game ngồi thụ động tại chỗ, dán mắt vào màn hình nhiều giờ liền, sẵn sàng đầu tư thời gian rảnh rỗi cho game là các chi tiết được nhắc đến nhiều nhất.
Trong những giai đoạn gần đây, game tiếp tục bị lên án vì sự mô phỏng bạo lực, máu me. Riêng tại Việt Nam, vấn đề bạo lực của game nhận phải nhiều cáo buộc, cho rằng đây là nguyên nhân của nhiều vụ cướp, giết, hiếp, và nhiều hành vi bạo lực, nghiện ngập khác.
Sức hấp dẫn của Pokemon Go không giới hạn bất kỳ độ tuổi, công việc và địa vị nào
Đặc biệt, tâm lý thường tình của dư luận không chỉ đơn thuần là ghét trò chơi điện tử, mà còn ghét cả những gì họ chưa hiểu, chưa quen thuộc, hoặc không nằm trong quan niệm về sở thích và thú vui của họ.
Nhìn chung, sự nhìn nhận khách quan, đa chiều và cảm thông là các yếu tố mà cộng đồng người chơi game tại Việt Nam chưa bao giờ có được. Tôi đã quen và chấp nhận với thực tế đó, nhiều người khác cũng vậy.
Xui xẻo thay, Pokemon Go dính đủ những “tiêu chuẩn” này. Vì lẽ đó, việc game nhận phải hàng loạt chỉ trích tại Việt Nam là điều hoàn toàn có thể dự báo trước.
Những kẻ đơn độc
Tôi không còn trẻ, cũng đã gần 30 – khá già so với độ tuổi phố biến của game thủ nước nhà. Tuy nhiên, với tâm thế một người yêu mến game Pokemon ngay từ những năm 90, và cả những bộ phim chuyển thể cùng đề tài trên đài truyền hình Việt Nam, tôi đã không thể ngồi yên khi lần đầu biết đến những thông tin về Pokemon Go.
Tôi vốn không thích đàn đúm nhậu nhẹt, không thuốc lá, không thích chơi thể thao, ngoài việc đi làm và thực hiện trách nhiệm gia đình, tôi chỉ có đam mê ngồi tại nhà và chơi game. Vợ tôi mặc dù ghét cay, ghét đắng game (hệt như tôi ghét mấy bộ phim truyền hình Hàn Quốc mà vợ xem), nhưng vẫn cho tôi chơi thoải mái, phần vì tính ra nó chẳng có hại gì nghiêm trọng, phần vì vợ tôi cho rằng “còn đỡ hơn anh nhậu nhẹt, gái gú”.
Khi Pokemon Go ra mắt, vợ tôi đã “không thể tin nổi” khi chứng kiến tôi đi bộ 5 KM mỗi tối quanh nhà để bắt Pokemon, vì trước đó, vận động tôi chạy bộ tập thể dục 500 mét đã khó hơn lên trời. Ngược lại, vợ tôi cũng khiến tôi “mắt tròn xoe” khi xách điện thoại lên và… xin đi cùng để “cày” Pokemon Go.
Công viên Tao Đàn chiều ngày 9.8
Còn nhớ vào ngày hôm trước, khi tranh thủ chuyến đi gặp đối tác để tạt ngang công viên Tao Đàn bắt Pokemon, tôi có gặp hàng trăm bạn trẻ đang say sưa với trò chơi. Đúng lúc đó, một nhóm các phóng viên báo đài cũng có mặt tại công viên, tiến tới và hướng camera về phía các bạn trẻ.
Điều đáng ngạc nhiên là, khi thấy các ống kính chĩa về phía mình, các bạn trẻ âm thầm kéo nhau tản sang chỗ khác, lộ rõ vẻ bức xúc, né tránh các phóng viên báo đài. Ban đầu, tôi đã kinh ngạc thật sự, điều gì khiến các bạn lại trốn tránh như thể mình đang làm việc xấu, đang làm điều sai trái?
Giới trẻ Mỹ có thể thoải mái tổ chức các buổi vui chơi truy tìm Pokemon, vui vẻ xuất hiện trong các phóng sự của truyền hình quốc gia. Hillary Clinton nhắc đến Pokemon Go như một sản phẩm sáng tạo đầy tích cực. Nhiều trẻ em mắc chứng tự kỷ, trầm cảm đã hòa nhập xã hội nhờ Pokemon Go. Hàng triệu thanh thiếu niên vốn nhốt mình trong bốn bức tường đã mang giày, xách balo lên và đi….
Vậy, điều gì đang khiến tất cả những mặt tốt đẹp ấy tan biến, để lại diện mạo xấu xí, lồi lõm, tha hóa và nguy hiểm cho Pokemon Go, hay đúng hơn, cho những người chơi Pokemon Go?
Người ta cho rằng, Pokemon Go là tác nhân dẫn đến các vụ cướp giựt điện thoại, gây ra các vụ tai nạn giao thông nhưng quên rằng nếu không có trò chơi thì các vấn nạn này vẫn diễn ra hằng ngày.
Còn nhiều, rất nhiều thứ khác phát sinh cùng cơn sốt Pokemon Go, có cả tốt, cả xấu. Nhưng quan trọng hơn hết, trò chơi đang không được nhìn nhận, đánh giá một cách đa chiều tại Việt Nam.
Giữa buổi chiều tà tại công viên Tao Đàn, tôi nhìn quanh và quan sát các bạn trẻ đang say sưa cười giỡn vì Pokemon Go. Tôi mừng vì một phần ước mơ của mình đã thành sự thật, đó là viễn cảnh những người mê game như chúng tôi - ở bất kỳ địa vị nào, bất kỳ tuổi tác nào – có thể rời bỏ bộ máy tính trong góc nhà, cùng ra ngoài và tham gia vào cuộc phiêu lưu thú vị, ảo mà thật.
Dĩ nhiên, dù đam mê và yêu thích như thế nào, cũng không thể nhắm mắt làm ngơ các tác động có phần tiêu cực của game. Tuy nhiên, đó không phải là các yếu tố để chúng ta tẩy chay trò chơi, mà là những cơ sở để xã hội, các nhà chức trách… vào cuộc và song hành với cộng đồng game thủ, hướng các bạn trẻ chơi game một cách tích tực, đưa Pokemon Go trở về đúng với giá trị của nó.
Một đoạn đường cao tốc tại Mỹ vào ngày 7.7, khi Pokemon Go vừa ra mắt
Tôi cũng tự thấy mình hơi “lố” khi chế câu nói của triết gia Descartes thành tiêu đề bài viết, nhưng kỳ thực, nhu cầu giải trí luôn là yếu tố không thể tách rời khỏi. Quan trọng là chúng ta giải trí như thế nào, để không đánh mất giá trị bản thân, không ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh.
[mecloud]z3fUU9eBxB[/mecloud]
Một cảnh bắt Pokemon Go tại Mỹ.
Hàng triệu bạn trẻ Việt đam mê game đã tìm thấy trò chơi trong mơ của mình, từ bỏ các game bạo lực, bắn súng, đề tài người lớn, đang nhản nhản nhờ vào nguồn cung cấp vô hạn của thị trường Trung Quốc, bỏ qua văn hóa chơi game “nhốt mình trong bốn bức tường”, bỏ cả những ngày tháng dài ăn nằm nơi phòng máy… Thông qua lăng kính Pokemon Go, các bạn trẻ ấy đang quan sát thế giới ở một góc nhìn mới, háo hức với cuộc phiêu lưu độc nhất vô nhị trong lịch sử ngành game.
Và, bạn muốn cuộc phiêu lưu của những người trẻ ấy sẽ như thế nào? Gửi gắm nhiều thông điệp lạc quan, hay cô độc và xấu xí?
Bình luận (0)