'Các vụ Việt Á, AVG đúng quy trình nhưng dân không biết nên mới sai phạm'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/06/2022 11:31 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng hàng loạt các đại án tham nhũng thời gian qua như vụ Việt Á , AVG, mua bán đấu thầu y tế... đúng quy trình nhưng không công khai minh bạch nên mới xảy ra sai phạm.

Nếu công khai sẽ ngăn chặn từ trước

Sáng 14.6, Quốc hội thảo luận về luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nêu ý kiến, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng nếu như làm tốt dân chủ cơ sở sẽ tránh được vi phạm phải xử lý như trong các "đại án" tham nhũng, tiêu cực thời gian vừa qua.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận sáng 14.6

gia hân

Ông Cường dẫn ví dụ như trong vụ kit test Việt Á, nếu như thực hiện dân chủ cơ sở, công khai thông tin là nhà nước phải mua của Việt Á với giá như thế và hải quan cũng công khai thông tin hàng chuyến, hàng tháng Việt Á đã nhập kit test từ Trung Quốc về bao nhiêu, với giá là 0,955 USD/test thì chắc chắn không để các địa phương, CDC các tỉnh phải mua giá như giá Việt Á bán.

"Như thế cũng không xảy ra tình trạng hàng loạt vi phạm như thời gian vừa qua", ông Cường nói và phân tích, vụ này tương tự với vụ cựu Chủ tịch UBND TP.HN Nguyễn Đức Chung mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ của Hà Nội.

"Nếu như công bố công khai cho người dân biết nước hồ này phải xử lý bằng hóa chất này, được mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp cho thành phố thì chắc chắn không thể kéo dài từ năm 2016 đến 2020 mới phát hiện sai phạm", ông Cường nêu.

Từ đó, đại biểu Hà Nội cho rằng, các vụ án tham nhũng từ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán đấu thầu thiết bị y tế, mua bán tài sản công hoặc kể cả vụ AVG mua bán cổ phần của MobiFone giống nhau ở chỗ đều thực hiện rất đúng quy trình, có đầy đủ các cơ quan có chức năng tham gia nhưng không được công khai cho người dân biết.

Do đó, khi có sai phạm xảy ra người dân chỉ nghe thông tin đồn thổi với nhau, không chính thống. Đến lúc sự việc xảy ra thì đồn thổi đó lại thành sự thật.

"Điều đó chứng tỏ nếu chúng ta công khai, cho người dân biết thì tất cả những vụ này đều được ngăn chặn từ trước", ông Cường nói.

Từ đó, ông Cường cho rằng, mục tiêu mà dự án luật đặt ra là quyền lực của công dân được đảm bảo thì cần phải đảm bảo công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm trách nhiệm giải trình của chính quyền.

"Quy chế dân chủ dường như chưa đạt được sứ mệnh, vì thế tôi đề nghị khi xây dựng luật thì có bước nâng cao, vượt trội so với Quy chế dân chủ", ông Cường nói.

Liên quan nguồn lực công đều phải công khai

Đại biểu Cường cũng đề nghị, liên quan tới quy định công khai, minh bạch trong dự thảo luật, không nên quy định cụ thể, liệt kê là công khai cái gì, không công khai cái gì.

"Thực tế cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều. Sau này nó sinh ra cái mới thì lại phải sửa luật. Vì vậy, nên chọn phương thức loại bỏ, chỉ những cái gì thuộc về bí mật nhà nước, cấm công khai, còn lại những cái liên quan nguồn lực công, liên quan tới người dân thì công khai", ông Cường đề nghị.

Bên cạnh đó, đại biểu Hà Nội cũng đề nghị, việc quy định cụ thể các phương thức công khai thông tin qua các mạng xã hội Zalo, Facebook... như dự thảo sẽ rất dễ "lạc hậu" vì hôm nay có Zalo, ngày hôm sau có cái khác.

"Chúng ta quy định như thế thì rõ ràng không bao giờ theo kịp sự phát triển của xã hội. Tôi đề nghị chỉ quy định mục tiêu là người quản lý có trách nhiệm lựa chọn phương thức thông tin đảm bảo tối thiểu tỷ lệ bao nhiêu % người dân biết được thông tin", ông Cường kiến nghị.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh: "Phụ nữ có lúc quên sức mạnh lớn nhất là sự dịu dàng"
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.