“Công thức” chung của các đại án tham nhũng
Nhiều vụ có tổ chức, lợi ích nhóm ngày càng chặt chẽ, khép kín, có sức mạnh lũng đoạn các quyết sách của cả tập thể, tổ chức.
Khu đất 8-12 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) mà ông Nguyễn Thành Tài từng ký nhiều văn bản sai quy định |
Ngọc Dương |
Ngày 20.11.2007, UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương cho đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại đối với khu đất 8-12 Lê Duẩn có tổng diện tích hơn 4.800 m2. Trong quá trình thực hiện, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài ký nhiều văn bản sai quy định, chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm (chưa tham gia bất cứ dự án (DA) nào) hợp tác đầu tư 30% vốn và giao đất 8-12 Lê Duẩn cho Công ty Lavenue (một pháp nhân mới thành lập) triển khai DA khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Toàn bộ khu đất “vàng” của nhà nước đã bị ông Tài và các đồng phạm chuyển cho 2 công ty tư nhân nhưng không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, không thẩm định giá tài sản, không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Bà Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Tháng Năm) đã lợi dụng mối quan hệ quen biết với ông Tài để ông Tài ký nhiều văn bản có lợi cho bà Thúy. Các bị cáo đã được tòa xác định gây thiệt hại cho nhà nước số tiền lên tới 2.554 tỉ đồng.
Thủ đoạn “móc ngoặc” tương tự cũng xuất hiện tại nhiều đại án khác như vụ án xảy ra tại Bộ Công thương và Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan DA 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM). Các bị cáo trong vụ án này từ cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương cho tới cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã cùng tham gia “kịch bản” biến 6.800 m2 đất vàng trị giá hàng nghìn tỉ đồng của nhà nước thành của tư nhân.
Hay như vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại DA Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ) liên quan cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Bị cáo Ðinh La Thăng với vai trò người đứng đầu PVN, Trưởng ban Chỉ đạo DA nhiên liệu sinh học, mặc dù biết Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC) không đủ năng lực, kinh nghiệm, thậm chí đang thua lỗ nhưng vẫn dùng ảnh hưởng để chỉ định thầu cho công ty này. Bị cáo còn chủ trì các cuộc họp, chỉ đạo, gây sức ép để các bị cáo khác hoàn tất hồ sơ chỉ định thầu cho liên danh của PVC.
Trong trường hợp phải thực hiện các quy định của nhà nước về đấu thầu, đấu giá, các đối tượng tham nhũng cũng tìm thủ đoạn nhằm “rút ruột ngân sách” để trục lợi. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thị Thủy khái quát 4 thủ đoạn trục lợi bao gồm: thổi giá để thao túng thị trường; sử dụng “quân xanh, quân đỏ” để dìm giá; bắt tay ngầm để “vây thầu”, “quây thầu” và móc ngoặc trong thẩm định giá. Theo bà Thủy, tất cả các thủ đoạn nói trên đều dẫn đến một hậu quả đó là khiến nhà nước phải “mua đắt”, “bán rẻ”.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: "Cơn bão Việt Á đã nổi xin Quốc hội cứu cả ngành y tế đang chao đảo" |
Nhiều lỗ hổng chính sách, pháp luật
Nhìn lại nhiều đại án tham nhũng thời gian qua, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức T.Ư), thừa nhận tình trạng cán bộ quan chức câu kết, móc ngoặc với tư nhân “lách vào các khe, kẽ, chỗ hở của cơ chế chính sách để trục lợi”.
“Từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay, các nghị quyết đại hội Đảng đề cập 3 khâu đột phá chiến lược thì khâu đầu tiên vẫn là phải hoàn thiện thể chế. Rõ ràng hệ thống pháp luật chúng còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa liên thông, còn nhiều sơ hở nên các đối tượng tham nhũng mới lợi dụng được”, ông Hà nói.
Nhiều chuyên gia cũng có cùng nhận định này khi cho rằng, có nhiều quy định pháp luật cần phải sửa đổi. Đơn cử luật Đất đai quy định đấu giá QSDĐ đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chứ chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp (DN) đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất. Vì thế, rất nhiều địa phương tìm cách lách luật bằng cách cho thuê đất, lập DA cho hoạt động thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đất là 50 năm, sau 1 - 2 năm thì cho phép sử dụng lâu dài, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, để tránh phải đấu giá đất. Đồng thời quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể.
Ngay Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội vừa qua cũng thừa nhận thất thoát chính trong cổ phần hóa DN nhà nước chủ yếu từ đất đai khi đất đai của nhà nước bị chuyển thành của tư nhân với giá thấp, không đúng giá thị trường.
Chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long thì đánh giá còn những bất cập, thiếu minh bạch, thiếu quy định giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện thẩm định, định giá không sát giá thị trường… là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách khi chuyển QSDĐ từ DN nhà nước sang DN tư nhân thông qua cổ phần hóa, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công…
Những lỗ hổng này, theo ông Long, có thể thấy rõ nhất qua vụ án “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Sabeco. Để làm “bốc hơi” khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng về tay tư nhân, Sabeco đã hợp thức hóa bởi bảng giá trị thẩm định của DN thẩm định giá Cushman&Wakefield - một trong số 3 đơn vị được thuê có chức năng thẩm định giá, đã đưa ra giá trị thẩm định cao nhất. Hay trong vụ “thổi giá” máy xét nghiệm lên tới gần 9,54 tỉ đồng xảy ra tại CDC Hà Nội, Nguyễn Nhật Cảm và các đồng phạm đã dựa vào “vỏ bọc” chứng thư thẩm định giá do Công ty CP thẩm định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành thực hiện.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, nhìn nhận sự móc ngoặc giữa cán bộ, quan chức với tư nhân để trục lợi bắt nguồn từ sự vận hành nặng cơ chế xin - cho, dựa vào quan hệ của cả hệ thống chứ không chỉ ở sự bất toàn của pháp luật. “Phải làm sao thắt chặt giám sát quyền lực bằng pháp luật để bớt kẽ hở, cơ chế xin - cho. Đó là điều mấu chốt”, ông Túc nhấn mạnh.
Suốt 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng, hoàn thiện thể chế vẫn được chọn là khâu đột phá cho thấy “đột phá chiến lược” này chậm có những đột phá. Trong một báo cáo hồi cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WorldBank) vẫn nhấn mạnh cải cách thể chế, nhất là thực thi chính sách hiệu quả, sử dụng các công cụ thị trường… cũng được WorldBank nhấn mạnh là “điều kiện thiết yếu” VN trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Rõ ràng, để cán bộ, quan chức “không thể tham nhũng” thì việc “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”, xóa bỏ sự vận hành nặng tính xin - cho, cho tới nay vẫn là điều kiện tiên quyết.
Khởi tố 4 bị can tại Quảng Ninh liên quan vụ mua kit test Việt Á
Ngày 13.6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại TX.Đông Triều (Quảng Ninh) liên quan vụ mua kit test xét nghiệm Covid-19 của Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Đáng chú ý, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này còn khởi tố 4 bị can của TX.Đông Triều liên quan vụ án nói trên, gồm: Nguyễn Thị Thanh Hảo, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch; Đào Thị Kim Dung, Trưởng phòng Y tế; Nguyễn Thành Định, Phó giám đốc Trung tâm y tế; Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm y tế.
Quá trình điều tra ban đầu xác định, các bị can đã có hành vi làm trái công vụ, ký hồ sơ đấu thầu, nghiệm thu không đúng số lượng kit xét nghiệm và kit tách chiết đã sử dụng trên thực tế để thanh toán cho Công ty Việt Á, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, chiều cùng ngày 13.6, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh đã họp thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với 4 người nói trên.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh còn thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó chủ tịch UBND TX.Đông Triều; ông Dương Thành Trung, Phó phòng Kế hoạch - Tài chính TX.Đông Triều.
Đáng chú ý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục xem xét trách nhiệm của ông Phạm Văn Thành, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Thị ủy, nguyên Chủ tịch UBND TX.Đông Triều (từ tháng 1.2020 - 6.2021).
Thu Giang
Bình luận (0)