Tư thế quan trọng hơn nhiều người nghĩ. Đã có nhiều nghiên cứu, bằng chứng cho thấy cách bạn đi hay ngồi ảnh hưởng đến chất lượng công việc của bạn.
Tư thế có ảnh hưởng đến năng suất làm việc của bạn - Ảnh: Shutterstock |
Để hiểu rõ hơn về điều này, hãy nhìn lại quá trình tiến hóa của tổ tiên loài người. Hàng triệu năm trước đây, nếu một người đang ngồi hoặc nằm, có khả năng là họ đang ở vị trí tương đối an toàn và có thể bớt cảnh giác. Ngược lại, đứng hoặc di chuyển sẽ làm tăng khả năng tìm kiếm thức ăn lẫn việc trở thành con mồi.
Hiện nay, cơ thể chúng ta vẫn còn giữ lại một phần yếu tố trên, chuyên gia về hiệu suất nhân lực Max Vercruyssen, người tiến hành các cuộc nghiên cứu liên quan đến tư thế con người, cho biết. Điều này có nghĩa là sự khác biệt trong cách bạn hoạt động sẽ tùy thuộc vào tư thế bạn có. Từ đây, các nhân viên văn phòng có thêm nhiều gợi ý để cải thiện năng suất làm việc của mình.
Dưới đây là ba gợi ý có bằng chứng khoa học giúp bạn cải thiện hiệu suất làm việc, theo hãng tin Bloomberg.
Ngồi thẳng, chống lại tư thế sau bữa ăn trưa
Nhịp tim của bạn tăng lên khoảng 10 nhịp mỗi phút nếu bạn chuyển tư thế từ ngồi sang đứng, thúc đẩy đáng kể thời gian phản ứng và cải thiện sự chú ý, Vercruyssen nói. Ông Vercruyssen đề nghị mỗi người nên điều chỉnh tư thế, hoặc đứng dậy khi họ có một nhiệm vụ đòi hỏi thêm sự chú ý và tập trung.
Cố gắng cảm thấy thoải mái
Theo Vercruyssen, khi người ta càng thoải mái thì càng dễ mất tập trung, mệt mỏi và thậm chí có thể ngủ thiếp đi. “Ngồi trên một chiếc ghế cứng có thể giúp bạn năng động hơn là ngồi trên một chiếc ghế thoải mái”, ông Vercruyssen nói.
Chuyên gia này đề nghị mỗi người phân loại và lập lịch trình làm việc của họ bằng yếu tố độ khó. Nếu bạn cảm thấy khó chịu với tư thế đứng hoặc ngồi thẳng, hãy dùng thời gian trong tư thế này để thực hiện những nhiệm vụ đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều nhất.
Nếu bạn vẫn không thể rời được chiếc ghế ngồi thoải mái, hãy dành ra vài phút để đi đến nhà vệ sinh hoặc lấy một cốc nước. Việc này nhằm thúc đẩy bộ não của bạn, kéo nó ra khỏi trạng thái uể oải trong giờ làm việc buổi chiều.
Từ bỏ tư thế lười biếng
Không có gì ngạc nhiên khi nói rằng lúc chúng ta cảm thấy chán nản hay thất bại, cơ thể chúng ta có xu hướng trì trệ, uể oải. Tư thế chán nản cũng làm nảy sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực và làm cho con người thấy tệ hơn.
Trong một loạt các nghiên cứu, giáo sư về giáo dục sức khỏe Erik Peper ở Đại học bang San Francisco yêu cầu những người tham gia ngồi ở các tư thế khác nhau rồi ghi nhận lại những suy nghĩ, ký ức tiêu cực và những suy nghĩ mạnh mẽ, tích cực. Những người có bộ dạng lười biếng khó nhớ các suy nghĩ tích cực.
“Nếu bạn có một tư thế uể oải, chán nản, điều này thực sự thay đổi sinh lý của bạn. Nồng độ testosterone đi xuống, cortisol tăng lên và bạn có nhiều suy nghĩ bất lực, vô vọng hơn. Bộ não của bạn phải làm việc nhiều thêm để vực dậy những cảm xúc, suy nghĩ tích cực”, ông Peper nói.
Ông Peper phân loại hiệu ứng này cùng với những gì mà ông gọi là “tư thế khúm núm” thường thấy ở các loài động vật bị đánh bại hoặc đang thể hiện sự sợ hãi trước các mối nguy hiểm.
“Trong nhóm động vật có vú, vị trí này là để nói “Xin đừng làm hại tôi”, song nhiều người trong số chúng ta phải ở trong vị trí này vì thiết kế đồ nội thất. Kết quả của chuyện này là cơ thể chúng ta gợi lên những suy nghĩ kể trên, cho dù bản thân mỗi người không hề nhận ra. Chúng ta chỉ cảm thấy mình mất năng lượng hay sự chủ động nếu như phải ngồi cả ngày”, giáo sư Peper phân tích. Chỉ cần 30 giây thay đổi tư thế cũng cải thiện rõ rệt tâm trạng và mức năng lượng của một người.
Bình luận (0)