Cách chế biến, bảo quản tránh thực phẩm nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc

Liên Châu
Liên Châu
29/03/2023 14:53 GMT+7

Thực phẩm cho những chuyến đi dã ngoại, bữa ăn đông người ngoài trời có thể là nguy cơ gây ngộ độc nếu bị nhiễm vi khuẩn do chế biến và bảo quản không đúng.

Liên quan đến nguy cơ gây ra vụ ngộ độc thực phẩm đông người, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các chuyến đi dã ngoại rất cần thực hiện nguyên tắc cơ bản đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cần lưu ý trước tiên là để riêng và phân loại các loại thực phẩm, đựng trong bao bì phù hợp, tránh nhỏ giọt hay chảy dính sang các thực phẩm khác; nấu kỹ thức ăn ở nhiệt độ đảm bảo. Các loại thực phẩm như thịt (bò, lợn, gà…), hải sản và trứng có thể mang mầm bệnh gây ngộ độc thực phẩm. Khuẩn Salmonella và một số vi khuẩn có hại khác có thể sống trong và bên vỏ ngoài trứng.

Lưu ý những thực phẩm nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc - Ảnh 1.

Thực phẩm chế biến, bảo quản không đúng dễ bị nhiễm khuẩn gây ngộ độc

CỤC AN TOÀN THỰC PHẨM

Sau khi thức ăn đã được chế biến, phải bảo quản thức ăn đúng theo tiêu chuẩn: thức ăn nóng cần bảo quản nóng và giữ lạnh thức ăn cần bảo quản lạnh. Tuân thủ nguyên tắc rửa tay: trước, trong và sau khi chế biến đồ ăn; trước khi ăn; sau khi xử lý thức ăn cho vật nuôi hoặc chạm vào vật nuôi; sau khi đi vệ sinh; sau khi thay tã cho trẻ em; sau khi chạm vào rác…

Quy tắc 2 tiếng với thực phẩm dễ ôi hỏng

Khi nấu ăn, chuẩn bị hoặc phục vụ thức ăn cho các nhóm đông người, điều quan trọng là phải giữ thực phẩm an toàn, tránh bị ô nhiễm gây ngộ độc.

Các bước để thực phẩm được an toàn cần thực hiện: giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy ít nhất 20 giây tại các thời điểm trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn; rửa thớt, bát đĩa, dụng cụ và mặt bàn bằng dung dịch rửa bát chén sau khi chuẩn bị từng món ăn.

Tách thịt sống tránh khỏi các thực phẩm khác. Đặc biệt, cần để riêng thịt sống, hải sản và trứng khỏi các loại thực phẩm không được nấu chín trước khi ăn như: trái cây, rau xà lách, salat nguội và bánh mỳ.

Sử dụng riêng thớt, đĩa hoặc dao cho thịt sống, thịt gà và các loại gia cầm, hải sản...; sử dụng dụng cụ chế biến, vật dụng riêng cho các loại thực phẩm không cần nấu chín. Khi chế biến, cần đảm bảo thực phẩm được nấu ở nhiệt độ đủ nóng để tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh.

Một số thực phẩm sẽ nhanh chóng trở nên không an toàn nếu không được làm lạnh hoặc đông lạnh, chẳng hạn như thịt lợn, bò, thịt gà và các loại gia cầm khác, hải sản, sữa, trái cây gọt sẵn, rau và đồ ăn thừa đã nấu chín.

Nên loại bỏ thực phẩm dễ hỏng sau khi đã để bên ngoài quá 2 tiếng đối với thực phẩm để ngoài trời, chẳng hạn như thức ăn phục vụ trong buổi dã ngoại ngoài trời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.