Cách đăng ký nguyện vọng để 29,5 điểm không rớt đại học oan uổng

Hà Ánh
Hà Ánh
18/04/2023 20:05 GMT+7

Điểm rất cao nhưng vẫn rớt đại học (ĐH) là một thực tế từng xảy ra. Năm 2022, theo thống kê có 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm vẫn rớt ĐH. Vậy thí sinh cần lưu ý gì trong đăng ký nguyện vọng để tránh tình trạng trên?


Thông tin trên được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Những điều cần lưu ý khi chọn ngành đăng ký xét tuyển?", diễn ra chiều nay (18.4) được phát trực tuyến trên các nền tảng: website thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube và TikTok của Báo Thanh Niên.

Cách đăng ký nguyện vọng để 29,5 điểm không rớt đại học oan uổng  - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay

Đ.N.T

Điểm cao vẫn rớt, vấn đề nằm ở đâu?

Chia sẻ trong chương trình tư vấn, tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nói: "Điểm rất cao nhưng vẫn rớt ĐH là một thực tế. Như năm vừa rồi, theo thống kê có 61 bạn đạt từ 29,5 điểm nhưng vẫn rớt ĐH". Có những thí sinh xét tuyển vào ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội dù 30 điểm vẫn có nguy cơ bị loại.

Cũng theo tiến sĩ Phương, một trường hợp khác xảy ra tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Trường lấy điểm chuẩn 29,1 nhưng một thí sinh có tổng điểm 3 môn đạt 29,2 vẫn rớt. Bởi theo cách cách tính điểm nhân hệ số 2 môn chính rồi quy về thang điểm 30 của trường, thí sinh này chỉ đạt 28,8 điểm và rớt một cách oan uổng.

Phân tích những lý do rớt oan uổng này, tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương cho rằng nguyên nhân nằm nhiều ở sự chủ quan của thí sinh. Trong 61 thí sinh đạt điểm cao rớt đại học thì có tới 60 trường hợp chỉ đăng ký một nguyện vọng.

"Vấn đề nằm ở sự lựa chọn của thí sinh. Dù đạt điểm cao nhưng thí sinh chủ quan không có phương án khác khi đăng ký nguyện vọng. Những trường hợp như trên nếu có phương án dự phòng chắc chắn sẽ không bị rớt oan", ông Phương nói.

Do đó, theo chuyên gia này, hãy tìm hiểu kỹ thông tin và đa dạng hóa hơn trong sự lựa chọn của mình. Nếu quyết tâm chọn một trường, thí sinh cần xem kỹ cách tính điểm của trường vì hiện nay các trường có sự tự chủ rất cao trong xét tuyển. Chẳng hạn, muốn học ngành y khoa có thể chọn ở một số trường cùng đào tạo ngành này như: Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành... Thực tế, thí sinh trúng tuyển ngành y khoa của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có người trên mức 29 điểm.

Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Phương: "Hãy chọn ngành yêu thích nhưng cũng cần xem tố chất, năng lực có phù hợp không. Ví dụ muốn làm việc liên quan đến nghề y mà lực học ở mức trung bình khá thì nên cân nhắc lựa chọn một ngành khác trong lĩnh vực này ví dụ điều dưỡng. Nếu chọn ngành không đúng năng lực thì dù có trúng tuyển cũng sẽ gặp những áp lực cao trong việc học và làm việc sau này".

Cách đăng ký nguyện vọng để 29,5 điểm không rớt đại học oan uổng  - Ảnh 2.

Các chuyên gia tham dự chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên chiều 18.4

LÊ THANH HẢI

Có nên chọn ngành học dễ trúng tuyển mà không cần yêu thích?

Một câu hỏi phụ huynh gửi đến chương trình băn khoăn có nên chọn một ngành học dễ trúng tuyển mà không cần yêu thích hay không. Thầy Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng người học cần cân nhắc kỹ về điều này. "Có phụ huynh từng bày tỏ quan điểm cứ chọn đại một ngành nào đó của trường danh tiếng để học. Nhưng quan điểm này là sai vì khi học ĐH sẽ học từ cơ bản đến nâng cao, nếu tính cách năng lực không phù hợp thì hành trình học ĐH sẽ rất dài, khó đảm bảo việc hành nghề tốt sau khi ra trường", thạc sĩ Nhơn phân tích.

Ông Nhơn chia sẻ một công thức chọn nghề thí sinh cần quan tâm. Cụ thể, đầu tiên phải chọn công việc muốn làm, sau đó đến ngành học để làm công việc đó, rồi đến bậc học và trường học. Ví dụ có những công việc không cần học ĐH mà chỉ cần học nghề có thể tham gia vào làm công việc đó ví dụ như pha chế, phi công dân sự…

"Vậy, nếu ngành muốn học điểm chuẩn quá cao thì làm sao? Lời khuyên là nên chọn một ngành học ở nhiều trường và đặt các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Hiện Việt Nam có hàng trăm trường ĐH và có nhiều trường cùng đào tạo một ngành giống nhau. Kiến thức cơ bản giống nhau và chỉ khác nhau về những định hướng đào tạo của từng trường. Nếu ngành học yêu thích có mức điểm chuẩn quá cao thì có quyền đặt trường yêu thích nhất lên trên, sau đó đến các trường tiếp theo", chuyên gia này đưa lời khuyên.

Tiến sĩ Cao Thị Cẩm Vân, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng nêu ý kiến: "Giảng dạy nhiều năm tôi thấy không ít sinh viên chọn sai ngành và mất nhiều thời gian để chọn lại. Có những em đã học 3 năm nhưng đến năm thứ 3 mới nói 'cô ơi em chọn sai nghề rồi'".

Tiến sĩ Vân nói thêm: "Dựa trên sự yêu thích và năng lực bản thân, các em hãy lựa chọn ngành học theo ý muốn bản thân mình. Vì lo sợ không trúng tuyển mà đi chọn ngành học khác dễ trúng tuyển hơn để vào thì tôi cho rằng đó là sự lựa chọn không thông minh".

"Vậy chọn ngành thông minh là sao, đó là người biết năng lực của mình ở mức độ nào, khả năng ở đâu và đáp ứng được yêu cầu khi lựa chọn. Khi đó chúng ta không mất thời gian học lại, đào tạo lại", tiến sĩ Cẩm Vân nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.