Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong ngày 31.3, nhiều tỉnh thành họp khẩn đưa ra kế hoạch cách ly toàn xã hội và đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 31.3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định không có xáo trộn, khó khăn gì trong việc cung ứng hàng hóa đến người dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Thêm vào đó, thời gian vừa qua, Hà Nội cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp tích trữ hàng hóa lên đến 300%, chuẩn bị cho mọi tình huống. Ngoài ra, tại Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu người dân chỉ không tụ tập nơi công cộng, vẫn được ra ngoài vì các nhu cầu thiết yếu như mua lương thực, thực phẩm. Theo ông Chung, người dân không nên quá lo lắng.
Tại TP.HCM, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP, cho biết các cơ quan vẫn hoạt động bình thường, chỉ thay đổi phương thức thay vì đến trụ sở thì làm việc tại nhà, chỉ đến cơ quan giải quyết những công việc thật sự cần thiết. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu các cơ quan nhà nước ngừng giải quyết các hồ sơ trực tiếp mà chỉ giải quyết qua mạng, những trường hợp khẩn cấp thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nội vụ.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết sau khi Thủ tướng có Chỉ thị 16, người dân mua hàng hóa tại các siêu thị tăng 20 - 30% so với ngày hôm qua. Theo Sở Công thương TP, hệ thống chợ, siêu thị, cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường từ ngày 1.4 để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở Công thương phối hợp với Sài Gòn Co.op và Tổng công ty thương mại Sài Gòn đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa thực phẩm. Đồng thời, khuyến khích người dân đặt hàng các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu theo hình thức trực tuyến, giao tận nhà.
Chiều tối 31.3, UBND TP.Đà Nẵng đã yêu cầu tạm dừng hoạt động tất cả các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu. Các cơ sở lưu trú còn khách du lịch, yêu cầu không để khách ra khỏi nơi lưu trú; có chính sách về giá đối với những trường hợp khách không thể rời TP trong thời gian thực hiện cách ly. Thành ủy Đà Nẵng cũng có công văn hỏa tốc gửi các cơ quan Đảng yêu cầu các đơn vị bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như lực lượng trực cơ quan để xử lý công việc thường xuyên. Thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 1.4 đến ngày 15.4.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương TP.Đà Nẵng, khẳng định TP.Đà Nẵng đảm bảo đủ tất cả hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Trước đó, Sở Công thương đã yêu cầu các chợ, đại lý lớn, trung tâm mua sắm, siêu thị chuẩn bị đầy đủ hàng hóa. Từ đầu tháng 3 đến nay, lượng hàng hóa về chợ hằng ngày vẫn đảm bảo, rau củ quả, trái cây trung bình 550 tấn/ngày, nguồn cung gia súc, gia cầm vẫn ổn định. Sở Công thương cũng đã yêu cầu các siêu thị cam kết, sẵn sàng cung ứng lượng hàng hóa tăng 20 - 40%, phòng trường hợp người dân mua tập trung một loại hàng hóa.
Tại Cần Thơ, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó chủ tịch UBND TP, cho biết đã triển khai về các địa bàn để thông tin nhanh đến người dân về việc cách ly toàn xã hội. Tại các địa bàn có loa thì phát thanh, cập nhật qua bản tin truyền hình, còn những nơi không có loa thì địa phương phải cho lực lượng phát loa di động đi tới tận nơi để phổ biến cho người dân. Việc thông tin đến người dân được triển khai đến từng xã, ấp, khu vực, tổ dân phố… Các cửa ngõ vào Cần Thơ cũng đã được tăng cường giám sát qua các chốt chặn giao thông. Lãnh đạo TP cũng khẳng định Cần Thơ đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ cuộc sống cho người dân.
Bình luận (0)