>> Đêm cuối của 'cách mạng dù' Hồng Kông
|
Ngày thứ 75 của phong trào bất tuân dân sự đòi phổ thông đầu phiếu thật sự cho cuộc bầu cử Đặc khu trưởng vào năm 2017 có lẽ cũng là ngày cuối cùng của “cách mạng dù”. 9 giờ sáng ngày 11.12 cảnh sát bắt đầu tháo dỡ các rào chắn và lều trại do người biểu tình dựng lên. Cho đến tới 4 giờ chiều, cuộc tháo dỡ diễn ra thuận lợi, không gặp nhiều kháng cự từ người biểu tình.
Lúc 1 giờ 30 chiều nay 11.12, cảnh sát từ các hướng đi vào đường Hartcourt và bắt đầu dồn ép người biểu tình. Các nguồn tin từ phía cảnh sát cho biết có khoảng hơn 200 nhân vật sẽ bị tạm giữ. Khoảng đầu giờ trưa, báo chí địa phương cũng cho biết lãnh đạo nhóm Công dân Nhiệt huyết (Civic Passion) có tên Hoàng Dương Đạt (Wong Yeung-tat) đã bị bắt.
|
Nhóm Công dân Nhiệt huyết được coi là nhóm có quan điểm khá cứng rắn, chủ trương sử dụng biện pháp mạnh hơn để gây sức ép với chính quyền. Chính vì vậy, nhóm này thường bất đồng với các nhóm khác có quan điểm ôn hòa hơn như Học dân Tư triều (Scholarism) và Liên hội sinh viên (HKFS) trong phong trào kháng nghị.
Khi tôi quay lại lúc khoảng 1 giờ trưa nay, khu Admiralty (Kim Chung) là một đống ngổn ngang. Hầu hết các lều trại đã được tháo dỡ. Tuy nhiên, vẫn còn một số lều trại của người biểu tình vẫn còn. Một loạt các hãng thông tấn lớn của Hồng Kông và thế giới như TVB, RTHK, CNN đã có mặt ngay tuyến đầu giữa cảnh sát và người biểu tình còn sót lại.
|
Trong khi đó, cảnh sát liên tục ra thông báo cho người biểu tình tự nguyện rời khu Admiralty hay sẽ đối mặt với việc bắt giữ khi cảnh sát hoàn toàn phong tỏa khu này. Tuy nhiên đến 4 giờ chiều, khi tôi rời khỏi khu này bằng một lối ra duy nhất, thì vẫn còn nhiều người biểu tình bám trụ đến cùng.
Tiến sĩ Benson Wong, dạy môn Các phong trào xã hội (Social Movements) tại Đại học Baptist Hồng Kông cho tôi biết: “Cách mạng dù của học sinh sinh viên thể hiện ý thức dân chủ của giới trẻ Hồng Kông rất cao. Đây là phong trào có thể được coi là không có lãnh đạo khi có nhiều nhóm khác nhau, nhưng mỗi người tham gia đều tự ý thức vai trò của mình và tuân theo nguyên tắc kháng nghị bất bạo động”.
|
Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng chính nền giáo dục khai phóng của Hồng Kông, giới thiệu một số môn khoa học xã hội cho học sinh ngay từ cấp 2, cũng như khuyến khích tự do tranh luận đã ươm mầm cho một thế hệ trẻ Hồng Kông nhận thức được vai trò của mình đối với thành phố này.
Những người trẻ này có thể bị cho là cực đoan khi chiếm giữ đường phố kéo dài, ảnh hưởng tới cuộc sống của một người dân Hồng Kông nhưng cách họ thể hiện quan điểm ôn hòa của họ là đáng quý. Họ trẻ, có học thức, tự tin và dám làm.
|
Nếu không có Rosa Parks, một người phụ nữ da đen ở tiểu bang Alabama phía Nam nước Mỹ, kiên quyết không chịu nhường ghế cho người da trắng để rồi bị cảnh sát bắt thì sẽ không có Martin Luther King dấy lên phong trào bất tuân dân sự, đòi quyền bình đẳng cho người da đen và cũng sẽ không có Oprah Winfrey và Obama của ngày hôm nay.
Đó cũng là cách suy nghĩ có thể thấy ở nhiều sinh viên Hồng Kông cũng như khẩu hiệu ở khắp nơi trong khu vực biểu tình: “Nếu không phải tôi làm, thì ai đây?”. Phong trào chiếm Admiralty đã kết thúc, nhưng cuộc kháng nghị bất tuân dân sự của học sinh sinh viên sẽ quay trở lại, nhưng ở hình thái khác bởi vì một thế hệ đã trải qua 75 ngày ở Admiralty.
Nguyễn Thành Trung (từ Hồng Kông)
>> Chính quyền Hồng Kông cho người biểu tình ‘cơ hội cuối cùng’
>> Hồng Kông trước giờ dẹp biểu tình
>> Những khoảnh khắc cuối cùng của biểu tình Hồng Kông
>> Tòa án Hồng Kông ra lệnh dẹp biểu tình
Bình luận (0)