Trong những năm qua, nhóm nghiên cứu của Đại học Geneva (Thụy Sĩ) đã nghiên cứu về phương pháp điều trị tiểu đường dựa trên một loại protein có tên là S100A9. Họ kỳ vọng S100A9 có thể thay thế insulin trong tương lai, theo tờ The Independent (Anh).
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng protein S100A9 trên những con chuột mắc bệnh tiểu đường. Họ phát hiện protein này có thể giúp cải thiện đáng kể quá trình trao đổi chất của lũ chuột. Không những vậy, đường huyết, chất béo và xeton, một chất hóa học do gan tiết ra khi cơ thể không có đủ insulin để chuyển hóa đường thành năng lượng, cũng được điều chỉnh tốt hơn.
Không những vậy, nghiên cứu cũng phát hiện S100A9 còn có tác dụng kháng viêm, nhờ đó có thể sử dụng hiệu quả để điều trị các rối loạn viêm nhiễm ở nhiều nơi trên cơ thể.
Khi thử nghiệm trên người, các nhà nghiên cứu dự định sẽ bắt đầu bằng cách kết hợp insulin liều thấp với protein S100A9. Nhưng trong tương lai, họ sẽ thử nghiệm S100A9 như một phương pháp điều trị riêng và có thể thay thế insulin.
Hiện tại, insulin được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân tiểu đường loại 1 và tiểu đường loại 2 thể nặng. Với bệnh nhân tiểu đường loại 1, họ phải tự tiêm insulin bằng tay. Tiểu đường loại 1 xảy ra khi cơ thể tự nhiên không sản xuất được hoóc môn insulin. Hệ quả là đường glucose trong máu không thể được hấp thụ vào tế bào để chuyển hóa thành năng lượng. Nền y học hiện đại vẫn chưa có cách điều trị căn bệnh này.
Với bệnh nhân tiểu đường loại 2, tuyến tụy có sản xuất ra insulin nhưng không đủ nhu cầu của cơ thể. Các phương pháp điều trị tiểu đường loại 2 thường gặp là duy trì cân nặng, vận động thể thao thường xuyên, giảm cân, dùng thuốc viên và thuốc tiêm, trong đó có insulin.
Tuy nhiên insulin có một số tác dụng phụ đi kèm như có thể hạ đường huyết xuống quá thấp, tác động tiêu cực đến chuyển hóa chất béo và tăng nồng độ cholesterol trong máu.
Bình luận (0)