Cách ôn thi ngữ văn tuyển sinh lớp 10 đúng trọng tâm

18/03/2023 12:12 GMT+7

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn ngữ văn năm nay tại TP.HCM cơ bản vẫn như năm 2022 và sẽ tiếp tục chú trọng nhiều hơn đến tính thực tiễn. Vậy học sinh nên chú ý gì để ôn thi ngữ văn tuyển sinh lớp 10 đúng trọng tâm?

Với thời gian làm bài 120 phút, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn ngữ văn TP.HCM gồm 3 yêu cầu: đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học, tương ứng với thang điểm là 3-3 và 4. Để ôn thi ngữ văn tuyển sinh lớp 10, học sinh cần chú ý những điểm dưới đây.

Cách ôn thi ngữ văn tuyển sinh lớp 10 đúng trọng tâm - Ảnh 1.

Thí sinh trao đổi sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM năm học 2022-2023

NHẬT THỊNH


Đọc hiểu, rèn luyện các kỹ năng cần thiết

Văn bản đọc hiểu khá đa dạng, có thể là văn bản nghị luận, thông tin, văn học, khoa học. Câu hỏi phần này được tổ chức theo các mức độ từ dễ đến khó; từ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Cần chú ý là, trong đó có câu hỏi về kiến thức tiếng Việt (từ 0,5-1,0 điểm).

Để ôn tập tốt phần này, học sinh cần lựa chọn các văn bản có tính thời sự qua sách báo, văn bản có nội dung phù hợp với lứa tuổi. Luyện tập các kỹ năng thiết yếu như đọc và phát hiện, nhận biết; kỹ năng đặt nhan đề, giải thích các từ ngữ, chi tiết, hình ảnh trong văn bản; phát hiện các vấn đề về sử dụng tiếng Việt trong văn bản.

Bên cạnh đó, học sinh cần rèn luyện thao tác tóm tắt văn bản; biết liên hệ, so sánh văn bản đang đọc với văn bản liên quan. Quan trọng nữa là, học sinh biết liên hệ với thực tế cuộc sống, nêu quan điểm cá nhân, đề xuất giải pháp...

Khi làm bài, học sinh cần đọc kỹ đề thi và phân tích kỹ để nắm chắc các yêu cầu và có cách trả lời hiệu quả. Lỗi thường gặp ở phần này là hoặc học sinh trả lời sơ sài, qua quýt, không đủ ý theo yêu cầu đáp án, hoặc trả lời lan man dài dòng, mất thời gian không cần thiết. Cần nhớ nữa là phải trả lời cho hết ý của câu hỏi, không nên đơn giản hóa câu trả lời.

Nghị luận xã hội, chú ý các thao tác lập luận

Với bài văn nghị luận xã hội (khoảng 500 chữ), học sinh cần chú ý đến các thao tác lập luận, xem đó là bộ khung (xương sống) của bài làm. Trong đó có các thao tác không thể thiếu là giải thích, phân tích, bình luận, chứng minh...

Học sinh nên ôn thi ngữ văn tuyển sinh lớp 10 như thế nào? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 9 ôn thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn cần chú ý thao tác lập luận và những vấn đề thực tiễn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bài làm điểm kém là những bài hiểu sai vấn đề (lạc đề). Do đó, học sinh cần xác định đúng vấn đề nghị luận, từ đó triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng, rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân. Cách yêu cầu ở câu hỏi này những năm gần đây khá đa dạng. Có thể là bàn luận về một ý kiến hoặc đưa ra một câu chuyện, một bài báo, thậm chí là một bức tranh minh họa... từ đó yêu cầu thí sinh nghị luận. Nếu thí sinh hiểu sai, bài làm sẽ lạc đề.

Để làm tốt phần này, thí sinh phải có những quan điểm, chính kiến xác đáng. Bài làm phải có lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén và dẫn chứng thuyết phục. Lỗi của học sinh phần này thường là viết không đúng theo yêu cầu, hiểu sai luận đề, bàn luận chung chung, thiếu chiều sâu tư duy xã hội và các lỗi về kỹ năng hành văn.

Ngoài ra, học sinh cần chú ý đến thang điểm và cách chấm của các năm trước đây để không bị mất điểm.

Chú ý sự tích hợp trong câu nghị luận văn học

Theo đó, học sinh được chọn 1 trong 2 đề để làm bài phần này. Đề 1, nghị luận một tác phẩm thuộc chủ đề đã cho. Từ đó, thí sinh chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân, hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, đến thực tế cuộc sống để rút ra ý nghĩa, bài học. Đề 2, gợi mở hơn, đặt ra một tình huống và yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc để giải quyết tình huống.

Để làm tốt phần này, học sinh cần rèn luyện kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo 2 thể loại cơ bản của lớp 9 là thơ và truyện. Thí sinh nhất thiết phải biết thêm các tác phẩm ngoài sách giáo khoa có cùng chủ đề. Với phần mở rộng vế sau của câu hỏi, học sinh cần dùng kiến thức và sự trải nghiệm bản thân để giải quyết một tình huống cụ thể nào đó.

Lỗi thường thấy của học sinh trong phần này là diễn xuôi lại tác phẩm. Bài làm thiếu cảm xúc do lười đọc, lệ thuộc bài văn mẫu. Hoặc do phân bố thời gian không hợp lý dẫn đến bài làm thiếu cân đối; bố cục bất cân xứng, thiếu thuyết phục.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.