Cải cách tư duy về thể chế

29/10/2014 04:40 GMT+7

Ngày mai 30.10, Quốc hội sẽ bắt đầu 3 ngày liên tiếp họp các phiên toàn thể (được truyền hình trực tiếp), để thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, kết quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tuy việc ban hành khung pháp lý khá chậm so với mục tiêu đến năm 2015, nhưng Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013 - 2020 đã có được những kết quả bước đầu khả quan, chất lượng đầu tư phát triển có xu hướng cải thiện (hệ số ICOR đã giảm từ mức 6,7 xuống 5,53).

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và các nhà tư vấn cho VN khuyến cáo sự tăng trưởng của kinh tế nước ta lâu nay không dựa trên nền tảng của hệ thống chính sách tốt mà chủ yếu là do nền kinh tế còn đóng, ít giao thiệp với thế giới. Vì thế, nếu không tạo ra động lực thực sự thì các kết quả cải cách kinh tế cũng chỉ quanh quẩn ở mức tăng trưởng 5 - 7%. Ngoài ra, theo kinh nghiệm gần 30 năm Đổi mới, những bước phát triển ấn tượng của VN đều gắn với những đổi mới có tính quyết định về thể chế và chính sách kinh tế.

Cải cách thể chế nói chung và thể chế kinh tế đang là một yêu cầu bức thiết từ cuộc sống. Và điều này đang đặt gánh nặng lên vai QH với gần 500 đại biểu của dân, bởi lẽ mọi cải cách thể thế, những thay đổi “luật chơi” nếu có đều phải bắt đầu từ tư duy.

Sau một phần tư thế kỷ kể từ khi VN bắt đầu công cuộc Đổi mới, nền kinh tế đã hoàn toàn đổi khác. Thay đổi quan trọng nhất là nó trở nên mở hơn, cơ cấu thành phần, cơ cấu sở hữu đã thay đổi một cách cơ bản. Tỷ lệ đóng góp của khu vực tư nhân trong GDP lên tới gần 70%. Vì vậy, đã đến lúc nhà nước phải xác định lại vai trò của mình. Để tái cơ cấu kinh tế thành công, việc đổi mới tư duy về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là điều hết sức quan trọng. Các chuyên gia, tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014, từng khuyến nghị: “Kinh tế nhà nước chủ đạo” không nên hiểu và diễn giải thành doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giữ vị trí chi phối trong các ngành kinh tế và lĩnh vực then chốt và độc quyền trên nhiều lĩnh vực. Giáo sư Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, người có hơn 10 năm tư vấn chính sách kinh tế cho VN nhấn mạnh: Chất lượng thể chế luôn là điểm đột phá trong phát triển, nhưng đáng tiếc đây lại chính là điểm yếu của VN.

Hiến pháp sửa đổi mà QH vừa thông qua, có nhiều điểm mới, là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thể chế kinh tế. Nhưng mấu chốt là QH có tạo được áp lực lên việc sửa đổi chính sách để tạo ra các đột phá về quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh - các yếu tố động lực của phát triển, hay không?

Và đó mới chính là điều mà cử tri, xã hội mong đợi ở ĐBQH, chứ không phải những phát biểu thừa thực trạng, thiếu giải pháp.

An Nguyên

>> Cải cách thủ tục hay cải cách tư duy?
>> Chi hơn 5.500 tỉ đồng xây Nhà Quốc hội
>> Quốc hội sẽ nghe báo cáo thẩm tra về dự án sân bay Long Thành
>> Đại biểu Quốc hội là Bộ trưởng có dám chất vấn Thủ tướng?
>> Ông Nguyễn Bá Thanh xin vắng họp Quốc hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.