Tommy là con út trong gia đình sáu đứa con tại TP.Burien (hạt King, bang Washington). Do không phù hợp với ngôi trường trung học bình thường, thanh niên 20 tuổi này được cha đưa đến trường trung học đặc biệt. Cách đây vài tháng, Tommy nói với cha rằng mình muốn tự lập, chuyển ra ngoài sống chung cùng bạn bè trong căn hộ thuê gần nhà, vừa học vừa làm việc bán thời gian tại một sòng bài, theo tờ The Los Angeles Times.
Diễn biến bất thường
Vào ngày 13.6, nam sinh này biết kết quả thi và háo hức mang bộ trang phục tốt nghiệp trở về nhà để chuẩn bị cho buổi lễ tốt nghiệp sắp tới. Chỉ 10 giờ sau, Tommy lìa đời. Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt King cho biết họ nhận được tin báo qua đường dây nóng về một thanh niên châu Á, sau đó được xác định là Tommy, cầm dao rượt đuổi nhiều người trên đường TP.Burien, tự xưng là “đấng tạo hóa”. Một người dân dùng súng bắn chỉ thiên để xua đuổi, nhưng Tommy vẫn chạy đến dùng dao đâm vào cửa nhà ông, theo cảnh sát. Qua đường dây nóng 911, một người dân khác nói thanh niên này còn tự xưng là “kẻ sát nhân”.
Khi cảnh sát đến hiện trường, Tommy không tuân theo mệnh lệnh bỏ vật thể trong tay xuống đất. Cảnh sát đã dùng súng điện Taser bắn hai lần. Tuy nhiên, Tommy tiếp tục xông đến và bị cảnh sát nổ súng bắn chết. Gia đình, bạn bè và hàng xóm khẳng định đây là một nam sinh sống hiền lành, vui vẻ, tốt bụng và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Họ không thể tin rằng Tommy có xu hướng bạo lực như mô tả của cảnh sát, theo tờ The Seattle Times.
Một tuần sau cái chết của nam sinh, cảnh sát đính chính vật thể Tommy cầm trong tay chỉ là cây bút, không phải dao. Tuy nhiên, cảnh sát cho rằng Tommy có thể đã dùng dao đâm chém tại nhà thuê trước khi đến gào thét trước hộ dân gần đó. Họ đồng thời thừa nhận đã bắn ba phát súng trúng người Tommy, chứ không phải một như thông báo ban đầu. Một người phát ngôn Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt King khẳng định sẽ sớm có kết luận điều tra trong tháng này.
tin liên quan
Niềm vui chưa trọn của cô dâu Việt14.10 là ngày trọng đại trong đời của Pham Thu Thuong Nguyen khi cô làm lễ kết hôn với Kirk Roberson tại nhà thờ Thánh Tâm ở thị trấn Oxford (New Zealand).
Tìm lại công lý
Vụ nổ súng nói trên chỉ là một trong số hàng loạt vụ cảnh sát bắn chết thường dân (đa phần là người da màu) trong thời gian gần đây. Phong trào Black Lives Matter (được hiểu là người da màu đáng được sống) dấy lên khắp nước Mỹ, phản đối nạn phân biệt chủng tộc trong ngành cảnh sát, dẫn đến biểu tình và bạo động.
Các nhà hoạt động xã hội gốc Việt đang bày tỏ sự tức giận và tiến hành những chiến dịch ôn hòa nhằm tìm công lý cho Tommy. Họ truyền tải thông điệp, kiến nghị thông qua mạng xã hội Facebook. Trong buổi đối thoại do các nhà hoạt động tổ chức hồi tháng 7, ông Tuan Nguyen (81 tuổi) bức xúc: “Tôi cảm thấy lo ngại khi chứng kiến lực lượng cảnh sát được quân sự hóa khắp đất nước này như đang trong tình trạng chiến tranh chống lại người dân. Nhiệm vụ hàng đầu của cảnh sát lẽ ra phải là người bạn thân thiết của cộng đồng”. Dù đại diện Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt King vẫn lên tiếng bảo vệ hành động nổ súng của họ là đúng trước khoảng 150 người Mỹ gốc Việt, nhưng sau đó hội đồng hạt King buộc phải bỏ phiếu thông qua quyết định vào tháng 9, yêu cầu tập huấn lại nghiệp vụ xử lý tình huống khẩn cấp cho tất cả cảnh sát.
Vào tháng 9, gia đình của Tommy đã công bố thông tin chi tiết kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy không có ma túy, chất kích thích hay rượu bia trong thi thể anh. Tuy nhiên, cảnh sát lại cho rằng đây chưa phải kết quả chính thức. Gia đình Tommy tuyên bố làm đơn kiện cảnh sát đòi bồi thường thiệt hại 20 triệu USD. Hiện không có cảnh sát nào liên quan đến vụ nổ súng bị bắt hay xét xử.
Gia đình Tommy và các nhà hoạt động tình nghi cảnh sát phân biệt chủng tộc. Bà Dieu Ho, mẹ của nạn nhân, chia sẻ: “Chắc chắn có sự phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Việt, cụ thể là con trai tôi”. Còn ông Hoai Le, bố Tommy, tự hỏi: “Tại sao cảnh sát đến nhà tôi và khẳng định con trai tôi cầm dao? Tại sao ông ta lại chắc chắn như vậy rồi sau đó đổi ý?”.
Bình luận (0)