Màu xanh từ non nớt, lưa thưa chuyển qua sắc xanh đậm đà của cải cúc tuổi thu hoạch. Sáng sớm mùa đông, thích nhất là ra vườn hái nắm rau trong cái lạnh se sắt của đất trời, hít hà cái mùi thơm dịu dàng, vương vít. Đến trưa, mớ rau ấy sẽ mềm mại xanh mướt trong bát canh cải cúc củ môn nấu xương heo của mẹ. Mùa đông, vậy là bắt đầu gõ cửa nhà tôi.
Mẹ nói, đây là món khá đặc biệt vì sự kết hợp kỳ lạ của nó. Thường, món rau chỉ nấu mỗi nó với tôm, thịt, nấm hoặc rau này với rau kia thành món canh tập tàng mát ruột chẳng hạn. Nhưng giờ là rau cúc với “anh chàng” củ môn nằm ở mé vườn, sát con mương đẫy nước. Món ăn vì thế mà vừa có cái thanh tao, nhẹ nhàng của rau vừa dặm thêm chút bùi bùi, beo béo của củ môn hài hòa trong vị ngọt của xương thịt.
Để nấu được nồi canh cải cúc củ môn ngon, chỉ khó ở phần chọn nguyên liệu. Vì món ăn đơn giản nên thành phần yêu cầu phải theo kiểu cái nào đúng chất cái đó. Chọn rau ngon thì dễ nhưng tìm được mẻ củ môn sọ bùi dẻo thì có phần nhọc công. Cũng là giống môn ấy nhưng có đợt nấu lên bị sượng, hoặc không dậy mùi thơm đặc trưng. Vậy nên mẹ chăm chút đám môn lắm để những ngày đông “dụ” bầy con ăn thêm chén nữa.
Sau khi sơ chế và rửa sạch 3 nguyên liệu của món ăn, mẹ đập nhẹ củ hành hương phi thơm rồi cho xương heo xào sơ, nêm nếm chút đỉnh rồi đổ nước vừa đủ ăn. Trong lúc nấu, mẹ tỉ mẩn đứng vớt bọt từng chút trong nồi nước để có bát canh trong trẻo. Nước sôi, mẹ cho rổ củ môn vào tiếp tục nấu chín rồi nêm vừa ăn. Cùng lúc, mẹ hối tụi nhỏ dọn bàn ăn xong đâu đấy mới cho phần rau cải cúc vào rồi nhanh tay nhắc nồi xuống, múc canh ra tô. Lúc này, cải cúc chỉ vừa chín tới, vừa loan báo mùi thơm đặc trưng. Củ môn cũng vừa chín bở, mỡ màng, tròn trịa trong vị nước canh ngọt lừ. Mọi thứ phải vừa in như thế, không sớm không muộn, không non không già để có một tô canh ngon cho bữa cơm thêm ấm áp...
Trần Thị Duyên
Bình luận (0)